leftcenterrightdel
 Một trung tâm thương mại ở Singapore. Ảnh: AFP

Học cách chung sống với COVID-19

Hơn một năm sau khi COVID-19 xuất hiện, các chính phủ ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ đang khuyến khích người dân quay trở lại nhịp sống hằng ngày và chuyển sang cuộc sống bình thường mới với lời kêu gọi ngày càng giống nhau: Chúng ta phải học cách chung sống với virus.

Anh, quốc gia đã tiêm phòng cho gần như tất cả cư dân dễ bị tổn thương nhất, có cách tiếp cận quyết liệt. Từ tháng 7, Anh dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế COVID-19. Những người Đức đã tiêm chủng đầy đủ trong 6 tháng qua có thể dùng bữa trong nhà tại các nhà hàng mà không cần chứng minh kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Họ được phép gặp gỡ riêng mà không có bất kỳ giới hạn nào và được đi du lịch mà không bị cách ly 14 ngày. Ở Italia, khẩu trang chỉ được yêu cầu khi bước vào các cửa hàng hoặc không gian đông đúc.

Singapore, quốc gia tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số tính đến 28.8, đã công bố kế hoạch giảm dần các hạn chế và vạch ra con đường sau đại dịch. Kế hoạch bao gồm chuyển sang theo dõi số người mắc bệnh nặng, số người cần chăm sóc đặc biệt và số người cần đặt nội khí quản, thay vì số ca lây nhiễm. Những biện pháp này đã được đưa vào thử nghiệm.

Tương tự Israel, quốc gia thành công về tỉ lệ tiêm chủng cao đang tập trung vào các ca bệnh nặng theo chiến thuật mà giới chức gọi là "đàn áp mềm". Dù vậy, đất nước này cũng đang phải đối diện với đợt bùng phát và đã phải áp đặt lại quy định về đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín. Một số quốc gia có tham vọng không có ca COVID-19 nào cũng đang suy nghĩ lại về chính sách này như Australia. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, các chiến lược thoát khỏi đại dịch có thể còn quá sớm. Sự xuất hiện của nhiều biến thể dễ lây lan hơn có nghĩa là cả những quốc gia có vaccine dồi dào như Mỹ vẫn rất dễ bị tổn thương. New York Times lưu ý, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về "long Covid" - các triệu chứng kéo dài mà hàng trăm nghìn người từng mắc COVID-19 đang phải đối phó. Họ cho rằng COVID-19 không nên được điều trị như bệnh cúm, vì nó nguy hiểm hơn nhiều. Họ cũng không chắc chắn về thời gian miễn dịch mà vaccine cung cấp và mức độ bảo vệ của vaccine trước các biến thể.

Thích nghi với "endemic"

COVID-19 đã thay đổi hầu hết cách thức sống hằng ngày của mọi người trong thời gian qua. Câu hỏi đặt ra cho giai đoạn tiếp theo là phần nào trong số những biện pháp thích nghi đó sẽ tiếp tục và làm thế nào để điều chỉnh khi COVID-19 trở thành endemic (dịch lưu hành địa phương).

Wall Street Journal nhận định, biến thể Delta có thể không phải là thứ tồi tệ nhất mà COVID-19 mang tới. Các biến thể trong tương lai thậm chí có thể lây nhiễm, gây tử vong nhiều hơn hoặc kháng vaccine tốt hơn. Với tốc độ hiện tại, phần lớn thế giới chưa được tiêm chủng và sự ổn định toàn cầu nằm ngoài tầm với cho đến năm 2023. Dù vậy, 2 công cụ bảo vệ cơ bản và mạnh nhất là tiêm chủng và đeo khẩu trang vẫn có thể giúp kiểm soát được đại dịch nếu được triển khai linh hoạt. 

Cây viết Tom Frieden của Wall Street Journal cho rằng, chúng ta cần tối đa hóa việc kiểm soát dịch bệnh đồng thời giảm thiểu tác hại mà các biện pháp kiểm soát có thể gây ra với nền kinh tế và xã hội. Một cách để đạt được điều này là áp dụng các biện pháp bảo vệ cụ thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào mức độ lây lan của virus. Giống như điều chỉnh hành vi khi có nhiều khói hoặc nguy cơ cháy rừng cao, chúng ta có thể đeo khẩu trang hoặc tăng làm việc từ xa khi nhận thấy đang đối mặt với một cơn bão COVID-19 đe dọa.

Để các trường học mở cửa an toàn trong giai đoạn mới, sắp xếp lớp học cũng cần hướng tới các biện pháp giảm thiểu dịch bệnh: Tiêm chủng, đeo khẩu trang, giãn cách, đảm bảo thông gió, cách ly người nhiễm bệnh, người bị phơi nhiễm và chưa tiêm chủng. Quản lý các tòa nhà, bao gồm cả bệnh viện và trường học, sẽ ý thức hơn nhiều về hệ thống thông gió, chuyển nhiều hoạt động ra ngoài trời hơn và mang nhiều không gian ngoài trời vào bên trong qua việc mở cửa sổ, tăng cường trao đổi không khí...

Thanh Hà


Nguồn Báo Lao động
Link bài gốc

https://laodong.vn/the-gioi/cac-nuoc-hoc-cach-chung-song-voi-covid-19-950920.ldo