Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt, khi thời tiết nắng nóng, sẽ có sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời, điều này khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi, dẫn tới sự giãn nở không đều của phế quản. Từ đó, gây ra bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn, virus, nấm... cũng là tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa hè.
Do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng trẻ em sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh hơn so với người lớn.
1. Trẻ bị nôn, tiêu chảy
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày qua ghi nhận số trẻ đến khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa gia tăng, trong đó nhiều trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, thời điểm giao mùa, bắt đầu vào mùa hè sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến tiêu hóa. So với hằng năm, tỷ lệ trẻ đến khám không tăng đột biến.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ đau bụng, nôn thường gặp nhất là nhiễm khuẩn tiêu hoá. Đây chính là lý do gây nôn và đau bụng ở trẻ em, cụ thể viêm dạ dày - ruột cấp do virus như Rotavirus, Norovirus, Calicivirus, Adenovirus, COVID-19. Ngoài ra, còn có tình trạng ngộ độc thực phẩm và chế độ ăn không phù hợp như ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn hoặc dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ.
Thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh dễ gây nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm. Mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch, khi sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả… làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày - ruột do nhiễm khuẩn.
Cũng cần lưu ý tình trạng nôn, đau bụng ở những trẻ có tiền sử COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19 sống trong vùng dịch. Kết quả từ các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 30 - 40% trẻ em nhiễm COVID-19 có biểu hiện triệu chứng tiêu hoá như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau nhiễm COVID-19 từ 4 - 6 tuần, khoảng 10% trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn. Khi có biểu hiện này, trẻ cần được đi khám vì trẻ có thể bị viêm ruột thừa, lồng ruột, viêm tuỵ cấp…
2. Trẻ dễ mắc viêm đường hô hấp
Trẻ dễ nhiễm bệnh hơn người lớn là do đặc điểm lứa tuổi còn nhỏ, ham chơi chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể. Trong khi đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở.
Một đặc điểm nữa là đường thở của trẻ ngắn và hẹp nên mầm bệnh cũng dễ lây lan hơn. Đặc biệt là trẻ em ở bậc tiểu học, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch còn non nớt nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Chẳng hạn như trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học vừa chơi đồ chơi trên đất bẩn rồi đưa tay đưa lên miệng hoặc ngoáy mũi là rất bình thường, vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công xâm nhập vào cơ thể. Các yếu tố môi trường như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, nắng nóng… cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ dễ viêm đường hô hấp.
Viêm đường hô hấp trên bao gồm: Cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ nhưng chúng đều có một số biểu hiện chúng ta dễ nhận thấy, bao gồm: Sốt, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp… nếu trẻ không được chăm sóc đúng, điều trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính.
Trẻ bị viêm đường hô hấp thường có sốt, ho, nhiều trẻ có thể sốt vừa hoặc sốt cao 39 - 40 độ C, một số trường hợp trẻ viêm đường hô hấp kèm theo khó thở… dẫn đến việc trẻ phải nghỉ học, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt.
3. Sốt xuất huyết
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con mình giảm sốt trong ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 5 của bệnh. Trẻ có thể chỉ còn lừ đừ, mệt nhiều, nôn, đau bụng, chảy máu chân răng... nhưng lại là những dấu hiệu cảnh báo trở nặng.
Thông thường để nhận diện trẻ bị sốt xuất huyết là sẽ sốt cao liên tục từ 3 đến 4 ngày. Nếu thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, nhằm có kết quả và kế hoạch điều trị.
Đối với các trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, trẻ sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu và dùng các loại thuốc nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng.
Sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến các bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi hay mắc COVID-19... Vậy nên, bố mẹ cần kịp thời đưa con vào bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng và tổn thương nguy hại đến sức khỏe.
4. Bệnh tay chân miệng
Các chuyên gia phân tích, hiện thời tiết vào hè, trẻ đã quay trở lại trường thì các bệnh lây nhiễm dễ gia tăng trong đó có tay chân miệng. Phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng của trẻ như: Trẻ có sốt, có nốt ở tay chân miệng và có giật mình, nổi ban hay không. Bên cạnh đó, phụ huynh theo dõi ở lớp học có tiền sử trẻ bị tay chân miệng không và nên vệ sinh thường xuyên cho trẻ để giảm khả năng lây nhiễm.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra và hiện chưa có vaccine phòng ngừa bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh phải theo dõi trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp xúc.
Ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ, các dấu hiệu của bệnh thường biểu hiện ra bên ngoài như nổi hồng ban mụn nước, loét miệng, sốt, tiêu chảy... Tuy nhiên, ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì các dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài rất ít và rất khó nhận ra như bệnh tác động đến não, gây giật mình, chới với. Chính vì vậy, khi trẻ có biểu hiện, cần tới cơ sở y tế để khám và được chẩn đoán đúng.
Phòng tránh bệnh khi giao mùa
Thời tiết vào hè nên dễ lây các bệnh truyền nhiễm, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ và thầy cô cần hướng dẫn, tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa.
Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Duy trì thói quen nằm màn khi ngủ, kể cả buổi trưa. Khi phát hiện sức khỏe của trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị kịp thời.
Ăn uống hợp vệ sinh, việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải thật sạch sẽ, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa, có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Việc ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất... cũng giúp tăng cường sức đề kháng, miễn dịch và phòng các bệnh thường gặp ở trẻ lúc giao mùa tốt hơn. Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
T.A