|
|
BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo: Bệnh nhân Covid-19 cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sỹ khi dùng các loại thuốc đặc trị (ảnh NVCC) |
Những lầm tưởng về đơn thuốc "vạn người dùng"
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội số ca F0 tăng nhanh thì TP đã có quy định cho phép F0 không triệu chứng được điều trị tại nhà. Bên cạnh việc F0 được tạo điều kiện thuận tiện trong sinh hoạt thì nhiều một vấn đề đáng lưu ý là tình trạng các F0 lên mạng để tìm hiểu thông tin và được cộng đồng mạng chia sẻ những đơn thuốc điều trị Covid-19, trong đó có nhiều loại thuốc phải có chỉ định của bác sỹ.
Một trường hợp tại Hà Nội test PCR cho kết quả dương tính và được người nhà ở TP Hồ Chí Minh gửi cho một đơn thuốc với 8 loại, trong đó có: men tiêu hoá; thuốc điều trị viêm mũi dị ứng; thuốc điều trị các bệnh lý như viêm xương khớp, các bất thường về máu, một số bệnh ung thư, bệnh về mắt, bệnh về da, thận, đường ruột và bệnh phổi hoặc bất thường hệ thống miễn dịch; thuốc có công dụng khử khuẩn và giảm đau trong nhiễm trùng khoang miệng và hầu (đau họng, viêm miệng, viêm hầu, viêm thanh quản); kẽm; viên sủi tăng lực; xịt họng.
Tuy nhiên, theo bác sỹ tư vấn thì tình trạng của bệnh nhân sốt 37,5 với triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, đau họng thì chỉ cần sử dụng một số loại như viên sủi tăng lực, kẽm, xịt họng và chỉ duy nhất 1 loại thuốc điều trị chứ không cần dùng đến nhiều loại thuốc như "đơn" chia sẻ.
Tương tự, có trường hợp dù mới đang là F1 cách ly tại nhà, thậm chí nhiều người chưa là “F” nào nhưng trở lên lo lắng, hoang mang khi thấy số ca nhiễm gia tăng nhanh trong những ngày gần đây nên đã tính đến phương án mua thuốc dự phòng.
Bên cạnh việc mua các loại thuốc nhóm A (gồm Paracetamol, thuốc cân bằng điện giải, vitamin tổng hợp, thuốc sát khuẩn hầu/họng-nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng) thì nhiều người đã nhanh chóng tìm hiểu để mua các loại thuốc kháng virus (Remdesivir, Molnupiravir) với mục đích tích trữ, dự phòng.
Chị N.P ở Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: Tôi tìm hiểu các đơn thuốc, phác đồ điều trị nên thấy cần thiết dùng thuốc kháng virus nên đã tìm để mua. Tuy nhiên, lướt qua 1 vòng "chợ" online thì thấy giá quá cao. Thuốc Molnupiravir 400mg được rao bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên và họ yêu cầu phải mua ít nhất 4 vỉ mới bán. Với mức giá này tôi lại cân nhắc vì quá cao, nếu may không phải dùng đến thì thật lãng phí.
Thuốc đặc trị cần dùng theo chỉ định của bác sỹ
Trước tình trạng người dân tự ý sử dụng thuốc và tích trữ thuốc theo các “thầy thuốc” trên mạng, BS chuyên khoa cấp 1 Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng phân tích: Quá trình tham gia các group (nhóm) điều trị F0 tại nhà thì thấy nhiều F0 tự dùng kháng viêm corticoid nhưng lại không thấy thuốc chống đông. Trong khi lẽ ra, thuốc chống đông liều dự phòng nên được dùng sớm, còn kháng viêm corticoid lại cần thận trọng.
“Việc dùng kháng viêm corticoid sớm quá (khi chưa khó thở, SpO2 chưa giảm, thậm chí chưa sốt) sẽ thì rủi ro sẽ nhiều hơn lợi ích. Corticoid làm giảm chức năng miễn dịch, nên người nhiễm virus sẽ càng có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 nặng hơn.
Biến chứng nguy hiểm nhất của Covid là tình trạng viêm quá mức của các cơ quan do sai lệch của hệ miễn dịch khiến các chức năng sống của cơ thể bị suy kiệt. Loại thuốc kháng viêm và ức chế miễn dịch (corticoid) thông dụng nhất là dexamethasone lại có tác dụng rất tốt nếu biết sử dụng đúng cách. Dexamethason hoặc Medrol là 2 loại kháng viêm đường uống hay được dùng.
Tuy nhiên, dù đã có hướng dẫn rõ ràng của Bộ Y tế về cách dùng, nhưng qua quan sát cho thấy việc sử dụng sử dụng các thuốc nhóm này đang bị lạm dụng, nhà thuốc bán tràn lan, người dân bảo nhau uống không cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.
“Xin các bạn nhớ, với nhóm thuốc này, nếu dùng sớm quá lại gây hại nhiều, khiến bệnh nhân nhân chóng rơi vào tình trạng nặng nề hơn. Thông thường, khi chỉ số SpO2 giảm thì mới bắt đầu tính đến việc sử dụng nhóm thuốc corticoid này”.
BS. Hoàng cũng khuyến cáo những bệnh nhân Covid-19 cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sỹ khi dùng các loại thuốc đặc trị. Đối với thuốc kháng virus, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cập nhật ngày 12-12-2021 thì trong các thuốc có tác dụng kháng virus SARS-CoV2, chỉ có Favipiravir hàm lượng 200/400mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sỹ chỉ định (mỗi ngày 2 lần).
Thuốc Remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và cũng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Molnupiravir hiện vẫn đang thuốc chương trình thử nghiệm và phải tuân thủ kỹ càng, không phải ai cũng có thể dùng, việc mua bán Molnupiravir vẫn chưa được phép. “Trừ những loại thuốc nêu trên, các thuốc kháng virus nCov khác đều không đáng tin cậy”.
Về dự phòng và chống đông máu, trong trường hợp cần dùng thuốc, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cách sử dụng thuốc chống đông tại nhà dành cho F0. Các thuốc ngừa đông máu thông dụng như aspirin hàm lượng thấp, clopidogel (chống kết tập tiểu cầu) hay ức chế yếu tố X hoạt hóa (apixaban, rivaroxaban), heparin phân tử lượng thấp (enoxaparin) có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng của Covid. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Việc bị nhiễm virus khiến sức đề kháng của cơ thể giảm, công thêm các yếu tố ăn ngủ kém, căng thẳng... hoặc ngay cả việc dùng corticoid là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, nấm bùng lên. Corticoid làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể nên các loại vi khuẩn, nấm... có cơ hội bùng phát. Corticoid có thể làm đường huyết tăng đột ngột trên bệnh nhân tiểu đường, làm tăng huyết áp đột ngột trên bệnh nhân tăng huyết áp. Corticoid gây viêm loét, thậm chí gây xuất huyết dạ dày, tá tràng và một loạt các bệnh khác. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại kháng sinh phù hợp khi cơ thể bị bội nhiễm” - BS. Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.
Thịnh An