Tại hội thảo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu" tổ chức sáng 1/12, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố báo cáo về hiện trạng bụi PM2.5 của 63 tỉnh/thành năm 2019-2020. Đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên phạm vi toàn quốc, sử dụng mô hình học máy thống kê ảnh hưởng hỗn hợp, kết hợp với ảnh vệ tinh để đo chất lượng không khí cả ở những điểm không có trạm đo.

10/25 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học Công nghệ, thành viên nhóm cho biết, báo cáo được sử dụng dữ liệu đa nguồn. Kết quả cho thấy năm 2020, Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất.

Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình năm là 25 μg/m3. Tuy nhiên cả hai năm 2019-2020 Hà Nội đều vượt, trong đó có đến 29/30 quận, huyện và thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 ở mức cao.

Trong 12 quận nội thành, nồng độ bụi dao động trong khoảng từ 31,5 μg/m3 đến 32,9 μg/m3, cao nhất tại quận Hai Bà Trưng (32,9 μg/m3) và thấp nhất là Hà Đông (31,5 μg/m3).

leftcenterrightdel
 Hà Nội có nồng độ bụi mịn cao nhất cả nước. (Ảnh minh họa)

Trên phạm vi toàn quốc, dữ liệu cho thấy năm 2020 miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố (chiếm 40%) có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia, gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.

Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam), vẫn có nhiều khu vực trong tỉnh bị ô nhiễm bụi PM2.5.

So sánh với khuyến nghị của WHO năm 2021 (5 μg/m3) và năm 2005 (10 μg/m3) cho sức khỏe cộng đồng, nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019 - 2020 đều vượt nhiều lần.

Cần xây dựng bản đồ phân bố bụi mịn tới từng quận, huyện

Tại hội thảo nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra những khuyến nghị nhằm giảm ô nhiễm bụi mịn. Cụ thể, cần ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí, nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành. Bởi bản đồ phân bố tính toán từ ảnh vệ tinh cũng chỉ ra rõ ràng hơn các vùng, tỉnh, thành phố đang gặp vấn đề về chất lượng không khí, từ đó đặt ưu tiên thực hiện các biện pháp quan trắc và kiểm soát nồng độ bụi PM2.5.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới từng quận/huyện/thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi PM2.5. Thực tế, bản đồ phân bố nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội và TP.HCM trong báo cáo này cho thấy sự khác biệt khá lớn về tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 giữa các khu vực hay quận/huyện/thị xã ngay trong một thành phố. Một số tỉnh, thành phố mặc dù có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh thấp hơn QCVN 05:2013/BTNMT nhưng vẫn có một số khu vực trong các tỉnh, thành phố này có mức ô nhiễm bụi PM2.5 cao như tại TP.HCM hay Quảng Ninh.

“Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết cho việc xây dựng bản đồ phân bố không gian nồng độ bụi PM2.5 tới cấp quận/ huyện/ thị xã cho các tỉnh/thành phố có ô nhiễm bụi mịn. Các bản đồ chi tiết này sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và ban/ngành liên quan đưa ra các ưu tiên, mục tiêu cụ thể và giải pháp quản lý chất lượng không khí phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”, đại diện tổ chức Live & Learn nêu quan điểm.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu để xác định đóng góp nguồn thải bụi PM2.5 và cho các chất ô nhiễm không khí khác, đặc biệt ở những tỉnh, thành phố đang bị ô nhiễm bụi như kết quả báo cáo nêu ra, từ đó có chính sách phù hợp và hiệu quả trong kiểm soát các nguồn thải chính. Cần kết hợp các công cụ kiểm kê phát thải và các mô hình lan truyền hóa học để xác định được cả lượng phát thải bụi PM2.5 sơ cấp, các tiền chất như NOx, SOx và VOC, và bụi PM2.5 thứ cấp. Phát thải bụi có sự lan truyền trong không khí, lượng phát thải ở một địa phương không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí của địa phương đó mà còn ảnh hưởng đến các địa phương xung quanh. Do đó, cần tính toán cả sự ảnh hưởng qua lại của phát thải các địa phương trong một khu vực cũng như lượng PM2.5 thứ cấp hình thành trong từng khu vực để đưa ra biện pháp kiểm soát ô nhiễm phù hợp.

Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác. Các ứng dụng công nghệ (thiết bị cảm biến, kỹ thuật viễn thám) trong quan trắc chất lượng không khí đã được sử dụng ở nhiều quốc gia cho nhiều mục đích, từ nghiên cứu, giáo dục - truyền thông, phát hiện điểm nóng ô nhiễm không khí, theo dõi phơi nhiễm cá nhân hay bổ sung thông tin quan trắc. Do đó, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm và xu thế quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sự tham gia của người dân, các cơ quan nghiên cứu khoa học trong giám sát chất lượng không khí.

 

Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” được tổng hợp trong nỗ lực “Chung tay vì không khí sạch”, được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Nội dung của tài liệu này không nhất thiết phản ánh lập trường hay quan điểm của USAID hay Chính phủ Hoa Kỳ. Dự án hướng tới nâng cao nhận thức, thúc đẩy giải pháp về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em, cộng đồng tại Việt Nam.


Hà Lan (T/h)


    Nguồn Kinh tế và môi trường
    Link bài gốc

    https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-o-nhiem-bui-min-cao-nhat-ca-nuoc-61545.html