Cháy vé tàu khách, ngành đường sắt xin tăng tàu
Vừa mở bán trở lại từ 8h00 sáng 12/10, tàu khách SE7/8 Hà Nội - TP.HCM đã gần hết vé, đường sắt phải lập thêm đôi tàu SE5/6.
|
|
Rất đông người dân, du khách nước ngoài đến ga Hà Nội mua vé tàu hỏa ngay khi được mở bán sáng 12/10. |
Theo ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chỉ sau mấy tiếng mở bán vé tàu khách trở lại trong sáng 12/10, tàu SE7/8 Hà Nội - TP.HCM đã gần hết vé.
Cụ thể, tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 13/10 đã bán được 240/302 vé (tương đương 79,4%); tàu SE7 xuất phát tại ga Hà Nội ngày 15/10 đã bán được 247/302 vé (tương đương 81,78%). Nhiều hành khách đã đăng ký mua vé tàu trong các ngày từ 14 đến 20/10.
“Do trên tàu bán giãn cách chỗ toa ghế ngồi nên lượng vé trên tàu không full chỗ, chỉ trên 300 vé. Trong khi nhu cầu hành khách đi tàu vẫn còn, nên chúng tôi quyết định chạy thêm đôi tàu SE5/6 trên tuyến Hà Nội - TP.HCM”, ông Quốc Anh nói.
Ông Quốc Anh cũng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị vận tải đường sắt làm việc với địa phương có ga tàu dừng, đón trả khách để phối hợp triển khai việc đón hành khách và thực hiện các biện pháp phòng dịch của địa phương theo quy định.
|
|
Hành khách mua vé tàu tại ga Sài Gòn cũng rất đông. |
Ở khu vực phía Nam, mặc dù tối muộn ngày 11/10, ngành Đường sắt mới thông báo chính thức mở bán lại vé tàu khách từ 8h00 sáng 12/10. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, lúc 7h00 sáng ngày 12/10 đã có nhiều hành khách đến ga Sài Gòn tìm hiểu, chờ đến giờ mở bán.
“Đến 9h00, sau một giờ mở bán, trên hệ thống bán vé ghi nhận có 240 vé của 2 chuyến tàu đầu tiên SE8 chạy ngày 13/10 tại ga Sài Gòn và SE7 chạy ngày 15 tại ga Hà Nội đã được bán. Vé được bán tại ga và cả qua mạng; ga đến cũng dọc khắp khu vực miền Trung và miền Bắc”, lãnh đạo Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết.
Tại ga Hà Nội, bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sáng 12/10 khá nhiều hành khách đến ga mua vé đi tàu. Hành khách mua vé chủ yếu đi khu vực miền Trung, miền Nam như Nha Trang, TP.HCM.
“Các điều kiện hành khách theo quy định tạm thời thí điểm chạy lại tàu khách của Bộ GTVT ban hành tối qua nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. Chắc các hành khách đã tìm hiểu kĩ và đáp ứng được nên đều mua được vé”, bà Đào cho hay.
|
|
Hành khách mua vé tại ga Hà Nội chủ yếu đi khu vực miền Trung, miền Nam như Nha Trang, TP.HCM... |
Cũng theo bà Đào, tại ga Hà Nội đã dành sẵn phòng cách ly để sử dụng khi có hành khách, nhân viên có biểu hiện nghi nhiễm dịch hoặc test Covid-19 dương tính. Cùng đó đang chuẩn bị khu vực để thực hiện test nhanh tại chỗ đối với hành khách và cả nhân viên đường sắt khi cần.
Trước nhu cầu khách đi tàu Bắc – Nam tăng cao, kế hoạch ban đầu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ khai thác 1 đôi tàu và đang làm thủ tục để tăng thêm 1 đôi tàu nữa trong giai đoạn từ nay tới ngày 20/10.
Đường sắt đã phối hợp với các địa phương tàu dừng đón/trả khách để triển khai lực lượng phối hợp, tại mỗi ga sẽ có lực lượng địa phương thực hiện nhận khách, kiểm tra và giám sát y tế.
Riêng tuyến Hà Nội – Hải Phòng, do chặng ngắn, phía Hải Phòng còn quy định khá chặt chẽ với tiếp nhận người tới, nên nhu cầu đi lại chưa nhiều.
Vé máy bay đắt nhưng vẫn "cháy"
Theo khảo sát của phóng viên, trên các trang bán máy bay, những chuyến ngày 11, 12, 13, những ngày đầu khôi phục lại đường bay chặng TP.Hà Nội đi TP.HCM đều nhận được thông báo hết vé. Trong khi nếu đặt vé trước từ 2 đến 3 ngày, giá vé máy bay là hơn 3,5 triệu đồng nhưng cũng không có nhiều lựa chọn.
|
|
Nhu cầu khách bay chặng Hà Nội - TP.HCM những ngày qua. |
Các chuyến bay của Vietnam Airlines thực hiện bay vào những ngày này với đường bay TP.Hà Nội - TP.HCM thông báo hết vé hạng phổ thông.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, tỷ lệ lấp đầy ghế trên các chuyến bay của Vietnam Airlines thực hiện chiếm đến 90% gần như "cháy" vé máy bay. Nhu cầu đi lại của người dân đang tăng dần lên khi vé máy bay mở bán tới đâu là hành khách đặt mua tới đó".
Về giá vế máy bay tăng cao trong những ngày đầu mở bán, ông Đinh Việt Thắng-Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do số chuyến bay ít, lại áp dụng giãn cách nên chi phí tăng lên.
|
|
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, tỷ lệ lấp đầy ghế trên các chuyến bay của Vietnam Airlines thực hiện chiếm đến 90% gần như "cháy" vé máy bay. |
“Qua 2 ngày khai thác, các hãng hàng không đề nghị bỏ quy định giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 2. Hiện có thông tin giá vé máy bay vẫn còn đắt”, ông Thắng nói.
Mộ nguyên nhân khác theo ông Thắng đó là, trong 2 ngày đầu khôi phục lại các chuyến bay nội địa, vẫn còn một số địa phương chưa thống nhất quy định về việc tiếp nhận hành khách.
"Các địa phương phải sớm thống nhất quy định về điều kiện với khách đi máy bay trên toàn quốc", ông Thắng nêu rõ.
Để ổn định các đường bay trở lại, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đạo thống nhất quy định về điều kiện đối với hành khách đi máy bay, áp dụng chung trên toàn quốc. Đồng thời, Cục Hàng không cũng kiến nghị bỏ giãn cách trên máy bay để giảm áp lực chi phí/ghế và giá vé đối với hành khách do hành khách đã được xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với các hãng hàng không vào tối 11/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: “Đối với những bất cập còn xảy ra, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi các địa phương kiến nghị giải quyết các bất cập liên quan đến điều kiện khách đi máy bay".
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể ở cấp Chính phủ mà mới có hướng dẫn của Bộ Y tế. Chính phủ đang dự thảo Nghị quyết về thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát với dịch Covid-19, nhiều khả năng sẽ có một tiêu chí thống nhất giữa các địa phương./.
Phi Long