Thu hút nhà đầu tư bằng lợi nhuận cao
Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam được giới thiệu là tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, được Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký Liên Hiệp Hợp tác xã số 0108586069 (thay đổi lần 2 ngày 29/07/2020) với số vốn điều lệ 100 tỷ VNĐ. Đơn vị này có trụ sở tại số 15 Cổ Linh, phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam đã ký nhiều Hợp đồng hợp tác đầu tư với các cá nhân trên cả nước, với thời hạn hợp đồng là 24 tháng. Theo đó, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam (bên A) sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư (bên B) để tìm kiếm, lựa chọn, triển khai các hoạt động đầu tư nhằm phát sinh lợi nhuận như đã cam kết cho bên B; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu bên A trên thị trường…
|
|
Một trong những trụ sở đơn vị thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam nằm tại quận Long Biên, TP. Hà Nội |
Cũng theo nội dung hợp đồng, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam sẽ chi trả mức lợi nhuận hằng tháng cho nhà đầu tư là 2,5%/ tháng (tương đương với 30%/năm - PV). Quá trình thực hiện hợp đồng, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam không được thanh toán lợi nhuận chậm quá 03 lần, mỗi lần không quá 3 tháng.
Trước mức lợi nhuận cao, thời gian qua, nhiều cá nhân đã tham gia ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam. Người nhiều góp vốn vài tỷ đồng, người ít thì vài trăm triệu đồng.
Theo phản ánh từ một số cá nhân tại Hà Nội và Vĩnh Phúc, mấy tháng đầu, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam chi trả lợi nhuận đúng hạn. Tuy nhiên, từ tháng 10/2022, họ không được nhận bất cứ đồng nào, trong khi đó không hiểu rõ lý do ra sao. Một số cá nhân lo sợ đã phải chấp nhận thanh lý hợp đồng trước hạn, chịu khoản chiết khấu 30% giá trị vốn đầu tư (tức bị cắt 30% tổng tiền đã đầu tư). Biên bản thanh lý đã ký kết từ lâu nhưng nhà đầu tư cũng chưa được phía Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam giải quyết quyền lợi tài chính.
Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam thừa nhận phản ánh của nhà đầu tư
Để làm rõ thông tin phản ánh của một số cá nhân tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, PV của Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ tới Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam. Bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam xác nhận những thông tin phản ánh của nhà đầu tư là đúng.
Theo Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam, trong thời gian vừa qua, đúng là liên hiệp rất khó khăn vì thị trường bất động sản chững, ngân hàng không giải ngân nên ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của liên hiệp. Điều này dẫn tới việc chậm trả lợi nhuận cho nhà đầu tư, cũng như nhà đầu tư rút vốn không thanh toán được ngay.
Tại buổi làm việc trực tiếp, đại diện của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam (được phía bà Hiền uỷ quyền làm việc với PV) cũng một lần nữa xác thực lại việc chưa chi trả quyền lợi cho nhà đầu tư từ tháng 10/2022 đến nay, việc chưa thể thanh toán quyền lợi tài chính khi nhà đầu tư đã cùng Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Tới đây, phía Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục xin khất chi trả quyền lợi cho nhà đầu tư thêm vài tháng nữa, có thể là tới tháng 6/2023 hoặc lâu hơn.
“Nắm lưỡi dao”, nhà đầu tư dễ “chảy máu”
Đọc kỹ hợp đồng hợp tác đầu tư mà Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam ký với các cá nhân có thể dễ dàng nhận thấy, ngoài mức lợi nhận đầu tư cao (2,5%/tháng, tương đương 30%/năm), nhà đầu tư có nhiều điều bất lợi, đó là “toàn bộ vốn đầu tư sẽ được bên A toàn quyền điều phối, sử dụng”; theo đó nhà đầu tư sẽ “không tham gia bất kỳ hoạt động quản lý điều hành nào của bên A”.
|
|
Hợp đồng của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam ký với nhà đầu tư |
Ở góc độ thực tiễn, gần đây, nhiều vụ việc các doanh nghiệp thi nhau cam kết tỷ suất lợi nhuận cao rồi vỡ trận đã khiến nhà đầu tư phải nếm trái đắng. Điển hình có thể kể đến vụ cam kết lợi nhuận tại dự án nghỉ dưỡng Cocobay hay hàng loạt sản phẩm kỳ nghỉ dưỡng khác, mặc dù tại những dự án này chủ đầu tư chỉ cam kết lợi nhuận lên đến 12%/năm.
Về pháp lý, hợp đồng hợp tác đầu tư bản chất là thoả thuận dân sự. Vì thế có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp kinh doanh không có lợi nhuận thì không chia lợi nhuận cho người hợp tác - nhà đầu tư. Thậm chí, trong hợp đồng không có điều khoản nào quy định, trường hợp kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp phải hoàn trả vốn cho nhà đầu tư.
Từ những vấn đề rủi ro trong thực tiễn và pháp lý, vấn đề đặt ra là, nhà đầu tư liệu có đang ở trong tình cảnh “nắm lưỡi dao”, mà việc buông hay giữ đều bất lợi. Buông thì mất. Giữ thì có ngày “đứt tay, chảy máu”.
Lâm Tới