leftcenterrightdel
Nội dung cảnh báo làm hoang mang người dùng đang lan truyền trên mạng - Ảnh: ĐỨC THIỆN 

Theo nội dung đang được nhiều người dung Facebook chia sẻ trong ngày 29-8, nạn nhân nhận được một cuộc gọi (không rõ người gọi, số gọi) hỏi thăm về việc tiêm phòng vắc xin. 

Người nhận cuộc gọi được chọn trả lời: "nếu chưa được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1, nếu đã được tiêm phòng hãy nhấn phím 2". Kết quả sau khi nạn nhân nhấn phím 1: "điện thoại bị chặn, thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến và thanh toán chuyển khoản thường xuyên đều được chuyển" (!?).

Thậm chí, nội dung cảnh báo còn cho biết "chỉ cần bấm theo hướng dẫn của nó trong 3 giây là nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, nó vô hiệu hóa điện thoại mình, máy chủ nó điều khiển (điện thoại của mình)". 

Từ đó, kẻ xấu có thể rút tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân, thậm chí cho nạn nhân biết (nhìn thấy mã xác thực OTP gửi về điện thoại) nhưng không thể làm được gì vì "máy điện thoại đã bị vô hiệu hóa".

Đặc biệt, các nội dung cảnh báo không quên kêu gọi người dân đọc được "hãy nhanh tay chia sẻ cho nhiều người dùng biết", "nhanh lên và chuyển tiếp cho nhiều người dùng hơn", hay "ai từng chuyển khoản qua điện thoại, xin hãy chú ý và chia sẻ cho nhiều người dùng biết".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia an ninh mạng cho rằng đây chỉ là chiêu trò dọa nạt, gây hoang mang rồi lừa người dùng nhẹ dạ lan truyền thông tin. 

"Hiện vẫn chưa thấy chiêu lừa nào vi diệu đến mức chỉ sau một phím nhấn trên điện thoại từ một cuộc gọi mà toàn bộ thông tin ngân hàng lẫn điện thoại của người nghe bị chiếm quyền", một chuyên gia an ninh mạng cho biết.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, loại thông tin cảnh báo gây hoang mang người dùng như trên đã có tại Việt Nam từ khá lâu. Một số thời điểm như năm 2017, đầu năm 2020 cũng đã rộ lên trong cộng đồng mạng. Nhiều người dùng nhận được cảnh báo dù không tin nhưng vẫn đi chia sẻ khắp các nhóm chat, mạng xã hội, khiến cấp độ lây lan "khủng khiếp" và làm nhiều người dân hoang mang, lo sợ.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - giám đốc dịch vụ an ninh mạng CyRadar, những loại tin cảnh báo như trên thuộc dạng chiêu trò dọa nạt trên mạng (hoax - chơi khăm, đánh lừa). Một số dấu hiệu để người dùng nhận biết dạng tin này như: nội dung thông tin gây sợ hãi, kêu gọi lan truyền tin, không có nguồn tin chính xác (báo chính thống, tác giả uy tín)...

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, giám đốc phát triển quốc gia, hãng bảo mật Kaspersky, cho rằng 99,9% đây là chiêu trò làm hoang mang người dùng. 0,01% xảy ra có thể là do điện thoại người dùng bản chất đã bị hack và chiếm quyền trước đó, kẻ xấu chỉ gọi điện để xác nhận danh tính và toàn bộ thông tin của nạn nhân (trên một danh sách thông tin đã có). 

"Tuy nhiên, người dùng vẫn nên cẩn trọng và cảnh giác cho điện thoại cũng như thông tin ngân hàng của mình. Tốt nhất người dùng nên cài đặt phần mềm bảo mật điện thoại uy tín để bảo vệ mình", ông Khanh nói. 

Trong ngày, theo Trung tâm báo chí TP.HCM, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, thông tin lan truyền trên trên mạng xã hội về lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân trên mạng là giả mạo.

Cụ thể, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) đã phát hiện trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin "Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển".

Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo.

VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên, khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan dịch bệnh hãy gọi ngay cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác. Vụ việc sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đức Thiện


Nguồn Tuổi trẻ
Link bài gốc

https://tuoitre.vn/thuc-hu-canh-bao-nhan-cuoc-goi-hoi-tiem-phong-bi-khong-che-dien-thoai-mat-tai-khoan-ngan-hang-20210829122926249.htm