Một phân tích mới đây của UNICEF đã cảnh báo rằng Covid-19 có thể tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em, thanh thiếu niên trong nhiều năm tới.
Trẻ có thể bị lo âu, trầm cảm do ảnh hưởng của dịch bệnh
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cũng chia sẻ: “Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi – những yếu tố then chốt của tuổi thơ. Đại dịch đã gây ra tác động đáng kể, song đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức”.
|
|
Trẻ có thể gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý do ảnh hưởng của dịch bệnh. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Theo kết quả ban đầu từ một cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia được thực hiện bởi UNICEF và Gallup – đơn vị được đề cập trong Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15-24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.
Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.
Nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra rằng, những rối loạn tâm thần mà trẻ có thể gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được chẩn đoán bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo gia thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên.
Không chỉ gây tác động khôn lường đối với cuộc sống của trẻ em, rối loạn tâm thần dẫn đến khuyết tật hoặc tử vong ở thanh thiếu niên còn làm thâm hụt khoản đóng góp ước tính lên tới gần 390 tỷ USD mỗi năm cho các nền kinh tế.
Còn theo TS Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công, nổi loạn tuổi dậy thì, căng thẳng tuổi dậy thì, trầm cảm tuổi dậy thì, stress tuổi dậy thì.. là cụm từ chung chỉ các rối loạn tâm lý ở tuổi vị thành niên cho các trạng thái thay đổi tâm lý thất thường, khí sắc buồn chán, tức giận vô cớ, mất hứng thú với cuộc sống, cảm xúc tiêu cực… Những biểu hiện này kéo dài, thường xuyên sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phát triển toàn diện của các bạn trẻ.
Từ những tâm trạng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực sẽ dẫn tới mất khả năng kiểm soát về cảm xúc, suy giảm chất lượng học tập, mất cân bằng trong cuộc sống. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này như sự thay đổi hormone, biến đổi về cơ thể, áp lực học tập, cuộc sống, các biến cố trong gia đình, xã hội…
Nhưng có một nguyên nhân lớn đang tác động đến trẻ em hiện nay chính là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến trẻ không thể đến trường, đảo lộn trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày.
“Hàng ngày, trẻ phải học trực tuyến nhiều giờ liên tục, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ gây ra sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu đi sự đa dạng trong cuộc sống. Thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, không được ra ngoài, áp lực về thời gian, quá tải trong học tập dẫn tới năng lượng bị ngưng trệ, bức bí. Ở tuổi phát triển, các em rất cần vận động, giao lưu, tương tác, thể hiện quan điểm của bạn thân, nhưng khi học trực tuyến, các nhu cầu đó gần như bị mất hết mà thay vào đó là thời gian gò bó, thiếu linh hoạt, bị động, tương tác 1 chiều, các bạn trẻ không được chủ động quyết định được cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực của mình. Với trạng thái tâm lý này các bạn trẻ sẽ rất nhạy cảm với các lời chê bai, góp ý của người lớn”, TS Vũ Việt Anh nói.
Chuyên gia này cho rằng, thông thường trẻ sẽ phản kháng lại bằng những cơn giận dữ, bực tức. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho trẻ tự cảm thấy bản thân không còn giá trị, mất dần tự tin hoặc tiêu cực hơn là tìm cách giải thoát khỏi tình trạng hiện tại.
Cha mẹ không nên tạo áp lực cho con
Theo TS Vũ Việt Anh, để bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý trong mùa dịch, cha mẹ cần động viên, khích lệ, không tạo áp lực cho con, gần gũi với con, đồng hành và chia sẻ để con vượt qua.
“Về phía nhà trường, thầy cô giáo cũng cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dạy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh. Thầy cô luôn nhớ rằng, không có học sinh dốt, chỉ có phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Việc học tập, đổi mới trong giảng dạy, tìm tòi những phương pháp giáo dục mới là việc làm thường xuyên của người giáo viên thời đại 4.0”, TS Vũ Việt Anh nói.
Đặc biệt, để tránh khỏi những vấn đề tâm lý trong thời gian này, chuyên gia cho rằng, chính bản thân mỗi học sinh cũng cần có một kế hoạch học tập, nghỉ ngơi khoa học, có mục tiêu cho mỗi môn học và biết các tự tạo động lực trong học tập bằng việc tạo cho mình một không gian học tập yên tĩnh, gọn gàng, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, được trang trí theo sở thích. Các em cũng cần được nhận thức sự biến đổi cơ thể trong giai đoạn này để chuẩn bị cho mình một tinh thần đón nhận, thay thế những năng lượng tiêu cực bằng một chế độ “vận động oxy” phù hợp, có thể tham gia các câu lạc bộ sở thích, các hoạt động thiện nguyện. Việc ăn uống đủ chất, lành mạnh, tránh xa các chất kích thích cũng giúp các em dễ dàng vượt qua giai đoạn này.
“Thích nghi để phát triển là một khả năng kỳ diệu của con người, hãy tận dụng những thời điểm thách thức này để biến đổi tích cực thành một thời điểm đột phá bản thân cho chính các em. Áp dụng nguyên tắc ít – nhiều của người Nhật cũng là 1 gợi ý để các em làm chủ cuộc sống của chính mình. Ít xem ti vi - chơi ngoài trời nhiều, ít nhăn nhó - cười nhiều, t chê trách - động viên nhiều, ít phán xét - thông cảm nhiều, ít lo sợ - thoải mái nhiều, ít áp đặt - cho lựa chọn nhiều, ít cằn nhằn, bình luận -lắng nghe nhiều. Ít phạt, ép buộc - cùng thỏa thuận để hình thành các nguyên tắc nhiều, ít phục vụ - yêu cầu tự làm nhiều, ít bao bọc - cho trải nghiệm và tự lập nhiều”, TS Vũ Việt Anh đưa ra lời khuyên.
Nguyễn Trang