Sở Xây dựng Hà Nội vừa gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh sách 23 dự án nhà ở thương mại, nhà ở, khu đô thị thuộc diện phải dành 20% quỹ đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
7 dự án nhà ở thương mại, tái định cư gồm: Khu tái định cư Đông Hội (Đông Anh); nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); khu nhà ở văn phòng, nhà trẻ số 622 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng); khu nhà ở Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); nhóm nhà ở Đông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài (quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông); khu nhà ở Minh Đức (huyện Mê Linh); khu nhà ở xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh).
16 dự án khu đô thị thuộc diện phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội gồm: Khu đô thị Nam đường Vành đai 3, khu đô thị Thịnh Liệt, khu chức năng đô thị Thịnh Liệt, khu đô thị HUD - Sơn Tây, khu đô thị mới CEO Mê Linh, khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, dự án thành phố công nghệ xanh Đại Mỗ, khu đô thị mới Đại Kim, Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, Khu đô thị Gia Lâm…
Nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các gia đình chính sách, người có thu nhập thấp, công tác phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ đặc biệt quan tâm, có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, kết quả phát triển giai đoạn 2016-2020 mới đạt 42% mục tiêu đề ra. Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn lực tài chính, việc quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội bị "xà xẻo" vì nhiều lý do cũng khiến công tác này đạt hiệu quả thấp.
Để quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội không bị “xà xẻo”, năm 2022, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch thanh tra chuyên đề diện rộng việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật.
Việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị là cần thiết; trong đó có việc rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Việc rà soát có thể giúp nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai; đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, Bộ Xây dựng.
Pháp luật hiện nay quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội. Pháp luật cũng cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương cũng cho phép dự án dưới 10ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Số tiền này lại không được các địa phương sử dụng để phát triển nhà ở xã hội.
Nhiều dự án phớt lờ, không tuân thủ việc giữ quỹ đất 20% này. Đơn cử như, tại dự án Louis City Hoàng Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa được triển khai lại sau nhiều năm đắp chiếu được chuyển đổi phần diện tích 20% nhà ở xã hội làm đối ứng BT. Hay như dự án Park City (Hà Đông, Hà Nội) quy mô hơn 77 ha được “miễn” quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội . Mới đây, cư dân tại Khu đô thị Ciputra do Cty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư đã làm đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh một số ô đất (IA20, IA23, IA25) trong khu đô thị, bao gồm cả quỹ đất 20%.
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 để thay thế cho Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận tại Nghị định 49 là tránh được tình trạng chủ đầu tư lách luật để "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội.
Q.A