Những ghi nhận thực tế tại huyện Mê Linh

Kể từ đầu năm 2021 tới nay, BĐS Mê Linh đảo chiều liên tục. Hồi đầu năm, nhiều môi giới nhà đất lan truyền thông tin Mê Linh sắp đón hàng loạt dự án "khu đô thị tỉ đô". Điều này khiến thị trường BĐS huyện Mê Linh tăng giá chóng mặt.

Cụ thể, trong giai đoạn đó, tại xã Tiền Phong, xung quanh khu vực dự án Cienco 5, giá đất thổ cư tăng từ 15 - 23 triệu đồng/m2, tăng lên 21 triệu - 40 triệu đồng/m2.

Ngay cả những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm, thế nhưng, nhờ có tin đồn về quy hoạch, giá trị cũng tăng từ 40% - 70%. Đơn cử như tại các dự án nhà liền kề tại Diamond Park, Mê Linh New City, Mê Linh Vista... cũng đã tăng lên 20 - 23 triệu đồng/m2.   

Đến tháng 7.2021, sau khi lãnh đạo huyện, xã tại địa phương này khẳng định hàng loạt dự án tỉ đô sẽ được đầu tư vào Mê Linh chỉ là “đồn thổi”, điều này đã khiến thị trường rơi vào ảm đạm.

Sau 3 tháng khá im ắng, BĐS Mê Linh “sốt” trở lại khi nhiều người đã bắt đầu đến, tìm hiểu thông tin về các dự án và giá đất khu vực này. Theo nhiều môi giới BĐS tại đây, nguyên nhân là do huyện Mê Linh nằm trong kế hoạch lên thành phố trong 5 năm tới của Hà Nội.

Trong vai một người có nhu cầu mua đất, chúng tôi tìm đến gia đình ông N.V.N (SN 1966, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh). Xung quanh khu vực này cũng xuất hiện nhiều các tấm biển quảng cáo, pano bán đất được treo dán tại nhiều ngã tư, cột điện, thậm chí là trước cổng nhà dân. Theo ông N., hiện tại căn nhà ông đang ở có diện tích 80m2, định giá từ 50 – 60 triệu đồng/m2.

leftcenterrightdel
  Ông N.V.N định giá đất sở hữu mặt tiền Quốc lộ 23 (khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh) từ 50 – 60 triệu đồng/m2.


“Nhà tôi mặt đường Quốc lộ 23, đoạn chạy qua xã Đại Thịnh, thuộc khu vực trung tâm hành chính của huyện. Do đây là khu đất đắc địa nên giá trị khá cao. Ngày nào cũng có người đến hỏi mua đất nhưng tôi không bán vì nhà dùng để ở”, ông N. nói.

Tiếp tục liên hệ đến một số đầu mối môi giới BĐS qua số 0986015xxx, PV được giới thiệu đến một môi giới nhà đất có thâm niên tại huyện Mê Linh tên Minh. Anh Minh cho biết, 3 ngày nay, số lượng nhà đầu tư tìm đến, gọi điện hỏi thăm thông tin các dự án tại Mê Linh tăng vọt bất thường.

Thông tin về tình hình quỹ đất hiện tại của huyện, anh Minh khẳng định, riêng đối với các khu đất xung quanh trung tâm hành chính huyện đã được bán hết, nếu có nhu cầu người mua chỉ có thể mua lại từ các chủ sở hữu.

“Giá từng lô sẽ tùy vị trí, nhưng đất mặt đường ở thời điểm hiện tại trên 50 triệu đồng là thật. Trong đó, các lô đất trên mặt đường Đại Thịnh cũng có giá từ 45 – 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dân cũng muốn hưởng lợi nên giữ đất để đẩy giá lên cao”, anh Minh cho hay.

leftcenterrightdel
  Nhiều dự án đang được quảng cáo, giao bán tại nhiều ngã tư khu vực trung tâm huyện Mê Linh.


Theo lời người này, hiện nay, đất trên trục đường qua xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa và trục đường lên khu công nghiệp Quang Minh - thị trấn Chi Đông đang là những “điểm nóng” BĐS.

“Sắp có đấu giá đất đối diện mặt chính của khu Chi Đông, anh chuẩn bị tiền luôn đi. Còn thủ tục, hồ sơ thì bên em hỗ trợ. Bây giờ đầu tư vào đấy mới tốt”, người này quả quyết.

Cũng theo anh Minh, giá đấu thầu đất khởi điểm khoảng 30 triệu đồng/m2, đường này xung quanh tập trung các khu công nghiệp, nhiều dân và dễ dàng kinh doanh hay sang nhượng qua tay.  

Tránh đầu cơ đẩy giá đất lên cao

Cũng lên quan đến việc “sốt đất” đang diễn ra tại huyện Mê Linh, trao đổi với Lao Động, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết, hiện tại, huyện chưa nhận được các phản ánh về việc “thổi giá” BĐS. Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ bám sát vấn đề này, từ đó đưa ra các phương án kiểm soát, tránh rủi ro cho người dân.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - Lê Hoàng Châu nhìn nhận, trong câu chuyện TP.Hà Nội dự định đưa 3 huyện trong đó có Mê Linh lên thành phố khá tương đồng với câu chuyện của TP.Thử Đức (TP.HCM) giai đoạn trước.

Ông Lê Hoàng Châu phân tích, thời điểm khoảng giữa năm 2020 thị trường BĐS tại Thủ Đức (trước khi lên thành phố) xuất hiện tình trạng đầu cơ đẩy giá lên cao khiến nhiều người ôm mộng rồi vỡ mộng.

“Thủ Đức hiện nay mới vừa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung, nghĩa là vẫn đang trong quá trình lập quy hoạch chứ chưa có quy hoạch được phê duyệt, vì vậy chưa thể có hình hài tích hợp của TP.Thủ Đức trong tương lai, nhưng nhiều người đã vội vàng đổ tiền vào đầu tư dù chưa nắm rõ bức tranh quy hoạch cụ thể”, ông Châu cho hay.   

Còn đối chiếu với những địa phương không phải từ quận lên thành phố, mà đi thẳng từ huyện lên, điều này cho thấy cơ sở hạ tầng của những khu vực này chưa đạt chuẩn đô thị nên mới gọi là huyện. Để xây dựng theo đúng kế hoạch của thành phố vẫn là một quá trình dài.

Khi lên thành phố thì tính tất yếu là giá đất sẽ tăng lên vì đất đô thị bao giờ cũng cao hơn đất nông thôn, đó là quy luật tất yếu. Nó dễ bị giới cò lợi dụng để gây sốt đất, ít nhất là sốt đất cục bộ tại các địa phương ấy.

Theo ông Châu, các địa phương trong diện quy hoạch cần công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tránh bị hút vào những cơn sốt đất cục bộ. Nếu để xảy ra tình trạng sốt đất sẽ gây tác động không tốt, vì sốt đất được xem là chướng ngại của quá trình phát triển. Bởi lẽ khi giá đất tăng, tiền đền bù cho các dự án hạ tầng cũng sẽ tăng theo, ngoài ra cũng là áp lực với người dân khi chi phí cho đời sống sẽ đắt đỏ hơn. Nếu không tính toán kỹ lưỡng và ngăn chặn từ sớm sẽ gây áp lực không nhỏ cho ngân sách thành phố.

Trước làn sóng mới từ BĐS đang manh nha tại các địa phương như Mê Linh, ông Châu khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo và phải khảo sát kỹ lưỡng về hạ tầng.

“Muốn đón đầu phải căn cứ vào quy hoạch, còn nếu chưa nắm rõ về quy hoạch thì cũng cần phải biết định hướng tại khu vực muốn đầu tư sẽ là như thế nào. Không nắm được việc đó thì các nhà đầu tư sẽ dễ dàng trở thành người mù đi đêm” – ông Châu đưa ra lời khuyên.

Tùng Giang - Phạm Đông

 

Nguồn Báo Lao động
Link bài gốc

https://laodong.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-me-linh-noi-song-chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-vo-mong-962488.ldo