“Đây là bất động sản đầu tiên tôi giao dịch nên cũng không lường hết được. Theo hợp đồng tôi phải bồi thường cho họ 500 triệu đồng, bằng với số tiền cọc. Nhưng sau khi trao đổi lại với họ bồi thường 300 triệu đồng và ký hủy hợp đồng mua bán, họ cũng đồng ý ngay. Nếu không bồi thường, mảnh đất này của tôi sẽ bị thuộc đất tranh chấp và không bán cho ai được nữa, vì khi ký hợp đồng mua bán đã có công chứng rồi”, anh V.M nói.
Tuy nhiên, mấy ngày sau, anh V.M được những người hàng xóm cho biết, trước ngày đặt cọc đã thấy một nhóm người tới mảnh đất của anh để đo diện tích. Khi ấy, anh mới phát hiện là đã bị người mua gài bẫy.
“Mấy ngày sau, có người nói với tôi là thấy có người đến đo mảnh đất của tôi, khi ấy hàng xóm của tôi nghĩ là tôi đưa họ đi đo đất. Lúc đó, tôi mới tá hỏa ra là bị họ gài bẫy về diện tích đất. Nhưng cũng không thể kiện tụng hay làm gì được họ”, anh V.M nói.
Theo anh Nguyễn Mạnh - môi giới bất động sản tại Lâm Đồng cho biết, thực tế chỉ bằng chiêu thức đơn giản này nhưng rất nhiều chủ đất phải ngậm ngùi đền cọc cho người mua, tương tự như anh V.M.
“Có rất nhiều trường hợp người bán phải đền cọc cho người mua do thiếu diện tích đất. Đặc biệt, tại vùng nông thôn do diện tích đất lớn nên trong quá trình sử dụng bị người khác lấn chiếm hoặc vì lý do khác dẫn tới mất đất nhưng họ không phát hiện ra. Trong khi đó, họ chưa từng giao dịch bất động sản bao giờ nên khi gặp người mua đất họ am hiểu nhiều sẽ dễ dàng gài bẫy”, người môi giới này nói.
Tuấn Minh