Tập đoàn Hoa Lâm đã thâu tóm Bệnh viện quốc tế City (CIH) và khu y tế kỹ thuật cao (IHP).
Theo tìm hiểu của Doanh nghiệp và Thương hiệu Y Tế Hoa Lâm – Shangri-La được thành lập vào tháng 7/2008 là liên doanh hợp tác giữa Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm và Shangri-La Healthcare Investment PTE.LTD. Đến quý 2 /2019, quỹ Aseana Properties Limited (ASPL - Singapore) đã đầu tư vào Shangri-La Healthcare Investment và Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm với số vốn lần lượt là 72,4% & 51%.
Tin mới nhất, Tập đoàn Hoa Lâm đã nhận chuyển nhượng Bệnh viện quốc tế City (CIH) và khu y tế kỹ thuật cao (IHP) từ Aseana Properties Limited với giá chuyển nhượng 95 triệu USD.
Trước đó tháng 9/2021, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An, thành viên “hệ sinh thái” của Tập đoàn Hoa Lâm đã huy động thành công 456 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 10 năm. Gia An đã huy động vốn dùng để hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư sản xuất Thương mại Mai Anh và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm để mua cổ phần vốn góp của Shangri-La Healthcare Investment PTE.LTD trong Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La.
Theo báo cáo thường niên năm 2020 của quỹ Aseana Properties Limited (ASPL - Singapore), Y tế Hoa Lâm - Shangri-La hiện đang sở hữu, vận hành Bệnh viện quốc tế City (CIH) và là nhà phát triển khu y tế kỹ thuật cao (IHP).
Giao dịch giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Aseana Properties Limited sẽ hoàn tất trong vài tháng tới, trong thỏa thuận đã ký kết, Tập đoàn Hoa Lâm có nhiệm vụ thanh toán tất cả các khoản tín dụng có liên quan đến CIH và IHP.
|
|
Bệnh viện quốc tế City |
Lược sử sơ bộ về Hoa Lâm Shangri - La
Theo giới thiệu của Hoa Lâm Shangri - La, dự án Khu y tế kỹ thuật cao được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 37,54 ha, đã được cấp giấy phép phê duyệt của UBND Tp.HCM vào ngày 10/7/2008 với vốn phát triển khoảng 400 triệu USD. Dự án sẽ phát triển 4 hạng mục chính bao gồm khu y tế, khu đào tạo và giáo dục, khu hỗ trợ và khu công cộng như bệnh viện, phòng xét nghiệm, phòng khám, trường quốc tế, khu thương mại bán lẻ, văn phòng, khu căn hộ cao cấp, khách sạn và trung tâm triễn lãm. Báo cáo của Quỹ ASPL cho biết, tháng 2/2009, lô đất phát triển dự án Khu y tế kỹ thuật cao 37,54ha của Hoa Lâm Shangri - La đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có tổng cộng 19 khu đất đã được phê duyệt, cấp quyền sử dụng và đã được thanh toán tiền thuê 69 năm. Trong 19 khu trên, có 6 khu được dành cho xây dựng bệnh viện.
Nhằm thực hiện đầu tư Khu hỗ trợ trong tổ hợp dự án Khu y tế kỹ thuật cao, từ năm 2012-2016, các công ty Hoa Lâm – Shangri-La được đánh số từ 1-6 lần lượt ra đời. Cơ cấu cổ đông chính vẫn là Quỹ đầu tư ASPL nắm chi phối với sự góp mặt của Tập đoàn Hoa Lâm.
|
|
Tổ hợp dự án Khu y tế kỹ thuật cao được xây dựng từ năm 2008 |
Hiện tại chỉ trừ 1 lô đất mà Hoa Lâm -Shangri1 sở hữu, các lô đất còn lại đều thuộc về Tập đoàn Hoa Lâm.
Những lô trái phiếu được thu xếp phát hành bởi Vietbank đều hướng đến chuyển dịch của Hoa Lâm – Shangri-La.
Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 1 ( đã đổi tên thành Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City) – đơn vị vận hành Bệnh viện Quốc tế City (City International Hospital, CIH), một phần của dự án Khu y tế kỹ thuật cao. Tháng 12/2020, công ty có 3 cá nhân được ủy quyền nắm giữ phần vốn góp là Helen Siu Ming Wong (giá trị vốn góp hơn 281 tỷ đồng), Nicholas John Paris (hơn 401,5 tỷ đồng) – Chủ tịch ASPL và Quách Tố Dung (gần 656 tỷ đồng) – Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank).
Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 2 (nay có tên là Công ty TNHH Bệnh viện Gia An 115) là chủ đầu tư bệnh viện Gia An 115 với quy mô 1,5ha.
Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 3 và Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 4 hiện đã lần lượt được đổi tên thành CTCP dịch vụ Hoa Lâm – Shangri-La và Công ty TNHH Trường Mẫu giáo Quốc tế Morningstar.
Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 5 và Công ty TNHH Hoa Lâm – Shangri-La 6, 2 đơn vị này cùng được thành lập vào tháng 3/2016, pháp nhân sở hữu ban đầu là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La.
Tính đến tháng 12/2017, phần vốn lớn của Hoa Lâm – Shangri-La 5 và 6 đều được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoa Lâm. Tại thời điểm này UBND TP.HCM có Quyết định đồng ý chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở D2 (quy mô 12.315 m2) và D3 (quy mô 11.953 m2) tại Khu Y tế kỹ thuật cao số 532A đường Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân (TP.HCM).
Tháng 3/2018, Hoa Lâm – Shangri-La 5 và Hoa Lâm – Shangri-La 6 lần lượt được UBND TP.HCM cấp Quyết định công nhận chủ đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư dự án Khu nhà ở D2 và D3 kể trên.
|
|
Dự án Khu căn hô AIO CITY HOA LÂM |
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều tài sản của các Hoa Lâm – Shangri-La nêu trên đã được dùng làm tài sản đảm bảo để huy động trái phiếu, thế chấp tại VietBank.
Công ty TNHH Vinh An Điền đã dùng quyền sử dụng đất tại thửa số 1-2, tờ bản đồ số 108 thuộc sở hữu của Hoa Lâm – Shangri-La 5 để hút 650 tỷ đồng trái phiếu; Công ty TNHH Minh Khang Điền dùng thửa đất số 1-3, tờ bản đồ số 108 thuộc sở hữu của Hoa Lâm –Shangri-La 6 làm tài sản đảm bảo huy động 572 tỷ đồng trái phiếu;
Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An cũng dùng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 17 phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM do Công ty TNHH Trường mẫu giáo quốc tế Morningstar (tên cũ là Hoa Lâm – Shangri-La 4) sở hữu để hút 456 tỷ đồng trái phiếu.
Doanh nghiệp CTCP Hong Lim Land huy động 504 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư vào dự án khu nhà ở, căn hộ D2 và dự án khu nhà ở, căn hộ D3 thuộc Khu y tế kỹ thuật cao số 532A Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM – 2 lô đất mà như đã biết thuộc sở hữu của Hoa Lâm – Shangri-La 5 và 6. Mặc dù CTCP Hong Lim Land không dùng các bất động sản của nhóm Hoa Lâm – Shangri-La làm tài sản đảm bảo nhưng trái phiếu được huy động cũng được hướng đến Tập đoàn Hoa Lâm.
Cùng với các bất động sản, những hợp đồng chuyển nhượng cổ phần liên quan đến những Hoa Lâm – Shangri-La cũng được các doanh nghiệp trong “ hệ sinh thái “ Hoa Lâm thế chấp ở VietBank để vay tiền. Một trong số đó lấy làm ví dụ, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Xây dựng Tiến Phát đã thế chấp toàn bộ quyền phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn ngày 27/5/2018 tại VietBank.
Thống kê các số liệu mà phóng viên đã thu thập, từ tháng 7/2020 đến 12/2021, nhiều pháp nhân cùng nhóm Hoa Lâm Group đã huy động vốn qua kênh trái phiếu, gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ (ngày 25/8/2020 phát hành 738 tỷ đồng); Công ty TNHH Điền Phát Land (tháng 7/2020 huy động 770 tỷ đồng), Công ty TNHH Hướng Dương Holdings (tháng 8/2020 phát hành thành công 750 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoa Thanh Long (tháng 12/2020 phát hành 477 tỷ đồng).
Tổng giá trị các lô trái phiếu là 4.413 tỷ đồng và không bất ngờ khi tất cả các lô trái phiếu này đều được “ông bầu” Vietbank thu xếp phát hành.
Tập đoàn Hoa Lâm đang làm ăn thế nào?
|
|
Hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm |
Hoa Lâm Group được thành lập vào năm 1999 và gắn liền với thương hiệu xe máy Kymco, chịu trách nhiệm phát triển dòng xe này tại Việt Nam.
Năm 2006, Hoa Lâm bước chân chính thức bước chân vào lĩnh vực tài chính với ngân hàng Việt Bank. Đầu năm 2010, Hoa Lâm Group tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản. Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, Hoa Lâm vẫn luôn không ngừng lớn mạnh, khẳng định vị thế với những dự án mang tầm quốc tế.
Theo tìm hiểu, hiện pháp nhân lõi của Hoa Lâm Group là CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm. Vốn điều lệ công ty hiện đạt 603,72 tỷ đồng, với 2 cổ đông lớn nhất là ông Dương Ngọc Hòa (37,26%) và bà Trần Thị Lâm (41,4%).
Theo BCTC năm 2020, doanh thu thuần Hoa Lâm Group đạt 39,8 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020. Lãi ròng 12,2 tỷ đồng, tăng 37,7%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2020 đạt 1091 tỷ đồng tăng 5,1%. Vốn chủ sở hữu 404,2 tỷ đồng, tăng 3%.
|
|
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Lâm |
Ngọc Mỹ