Nhà đầu tư "chuộng" thị trường địa ốc Hà Nội
Là một nhà đầu tư lão luyện, có hơn 10 năm kinh nghiệm bỏ vốn vào thị trường địa ốc, ông T.Q.M sở hữu nhiều bất động sản tại các thị trường khác nhau như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Phú Quốc, Hải Dương, Hưng Yên.
Tuy nhiên, ông M. cho biết, "địa bàn" hoạt động chính của ông vẫn là Hà Nội. Những năm trước ông M. chủ yếu tìm kiếm nguồn đất thổ cư tại thị trường khu vực phía Đông Hà Nội. Ngoài ra, ông phân phối thêm sản phẩm bất động sản thấp tầng như biệt thự, nhà liền kề, shophouse.
Đến năm 2019, ông quyết định chuyển hướng "săn" hàng ở khu vực Tây Hà Nội, tập trung vào các vùng đang chuẩn bị lên quận. Quan điểm đầu tư của ông M. là không lựa chọn sản phẩm bất động sản trong trung tâm nội thành mà hướng tới các khu vực vùng ven, còn nhiều cơ hội.
"Nếu xét ở thời điểm dịch bệnh như hiện tại thì đầu tư vào thị trường Hà Nội sẽ rất an toàn, không phải di chuyển xa. Như nhiều người đầu tư ở tỉnh, chẳng may có ca Covid-19, đi lại khó khăn và giao dịch sẽ trở nên thất thường", ông M. cho hay.
|
|
Thị trường địa ốc Hà Nội còn nhiều dư địa tăng trưởng tốt. |
Ngoài ra, ông M. cho rằng, thị trường địa ốc Hà Nội vẫn còn nguồn cung đất dồi dào ở khu vực vùng ven. Đây là thị trường truyền thống, ít rủi ro và khả năng thanh khoản ổn định vì dân cư lớn. Mặt khác, cũng theo ông M, thời gian tới, với các tín hiệu tích cực thì hoạt động đầu tư công, nhu cầu nhà ở thực lớn, thị trường bất động sản Hà Nội là kênh đầu tư an toàn.
Đồng quan điểm đó, anh P.V lựa chọn Hà Nội như "cứ điểm" trong đầu tư. Theo anh V., nếu đánh giá chung về thị trường địa ốc Hà Nội so với thị trường mới như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hoà Bình thì khả năng tăng giá không qúa lớn. Nhưng lợi thế của thị trường Hà Nội đối với nhà đầu tư chính là giảm chi phí di chuyển. Hơn nữa, đặc thù giao dịch tại Hà Nội cũng thuận tiện với phần lớn các nhà đầu tư.
"Mỗi tỉnh có "cách thức" đầu tư khác nhau. Không chỉ biết về thông tin sản phẩm, nhà đầu tư còn phải tìm hiểu văn hoá, "khẩu vị" đầu tư của dân bản địa. Trong khi đó, thị trường Hà Nội, người mua dễ tính và nhu cầu ở thực lớn. Mặt khác, những năm qua, thị trường tỉnh trải qua nhiều cơn sốt ảo. Đó là lý do mà nhà đầu tư không muốn nhảy vào khu vực giá đã vượt qua ngưỡng thực", anh V. nói.
Còn nhiều triển vọng cho thị trường địa ốc
Báo cáo của Savills Việt Nam mới đây nhận định, thị trường bất động sản Hà Nội còn nhiều triển vọng tăng trưởng.
Theo đó, về nguồn cung, Savills Việt Nam nhận định, dự kiến thị trường Hà Nội sẽ đón nhận khoảng 650 căn từ sáu dự án, chủ yếu ở huyện Hoài Đức và quận Từ Liêm. Ngoài ra, khoảng 4.000 căn sẽ được tung bán vào năm 2022, với khu vực phía Tây chiếm 65% thị phần.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills cho biết: "Đối với thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội trong quý cuối năm, nguồn cung cùng lượng giao dịch dự kiến sẽ được hồi phục. Trong khi đó, giá bán dự kiến không có nhiều sự thay đổi do thị trường cũng đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian đầu năm".
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá: "Sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường biệt thự/liền kề tại Hà Nội dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục nhờ nguồn cầu mạnh mẽ và nguồn cung lớn trong tương lai. Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm giảm, lượng tiền gửi ngân hàng thấp kỷ lục cùng lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác trong đó có bất động sản.
Một số dự án còn đưa ra ưu đãi với các gói vay 0% trong một khoảng thời gian nhất định, đây là cơ hội đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở. Việc giảm lãi suất vay cũng là cơ hội để kích thích thị trường, cho phép nhiều người dân có thể có cơ hội mua và sở hữu nhà hơn".
Cũng theo Giám đốc Savills Hà Nội, trên thực tế, nguồn cầu sẵn có cho bất động sản nhà ở tại Hà Nội là rất lớn, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự tăng trưởng trong vốn sở hữu cá nhân, quá trình đô thị hoá nhanh chóng cũng như sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận nhiều khu vực của thành phố.
Trong thời gian tới, đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến ngày 31 tháng 8, tỷ lệ giải ngân của Hà Nội chỉ đạt 25%, thấp hơn so với mục tiêu được đặt ra là 31%. Do đó, Chính Phủ đã kêu gọi các địa phương ưu tiên giải ngân đầu tư công trong thời gian còn lại của 2021. Với nguồn cung tương lai dồi dào cùng nguồn cầu mạnh minh chứng vào nửa đầu năm 2021, một triển vọng đầu hứa hẹn cho thị trường với sự phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Matthew khuyến nghị: "Người mua cần cân nhắc phân khúc đầu tư cũng như vị trí bất động sản phù hợp với khả năng tài chính của mình, không nên đầu tư kiểu đánh cược".
Việt Khoa