Khu đô thị (KĐT) mới Điện Nam - Điện Ngọc tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) rộng hơn 2.200 ha thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1999. Mục tiêu là hình thành tại đây một đô thị hiện đại, nối giữa TP Đà Nẵng với phố cổ Hội An.
Thế nhưng sau hơn 20 năm, những gì dư luận nhắc đến nhiều nhất lại là hàng trăm dự án bất động sản (BĐS) dở dang, kéo theo đó là hệ lụy về pháp lý triền miên giữa các chủ đầu tư và khách hàng.
Mòn mỏi chờ sổ hồng
Trong vai người mua đất, PV được ông T, một nhân viên môi giới BĐS, chào mời qua điện thoại dự án khu phố chợ Cầu Hưng - Lai Nghi. Theo ông T, đơn vị sẵn sàng giao dịch online, hồ sơ gửi qua đường bưu điện, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản với thủ tục nhanh gọn. Ông T cũng không quên dành những lời có cánh về khả năng sinh lợi của dự án trong tương lai.
Nhiều năm qua, hàng ngàn khách hàng từ khắp nơi đã nghe những lời quảng cáo lợi nhuận cao và xuống tiền đầu tư tại KĐT mới Điện Nam - Điện Ngọc, chỉ mong đến ngày chốt lời. Thế nhưng đến nay có dự án đã gần chục năm vẫn chưa thể ra sổ hồng cho khách.
Đơn cử năm 2014, ông Phong (quê Quảng Ninh) đặt cọc ba nền đất tại dự án khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp do Công ty CP Tư vấn nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư (CĐT) theo hình thức hợp đồng góp vốn.
“Tôi đã đặt cọc 330 triệu đồng cho ba nền đất, dự kiến đến quý I-2016 sẽ nhận sổ hồng nhưng đến nay CĐT vẫn chưa hoàn thành dự án. Nhiều lần chúng tôi đến trụ sở công ty yêu cầu làm rõ thì CĐT liên tục thay đổi địa chỉ, không gặp được lãnh đạo” - ông Phong nói.
Trao đổi với PV, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty STO, lấy lý do vì dịch COVID-19 nên công ty không thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngoài ra, ông Thắng cho rằng đây là một trong những dự án đầu tiên của tỉnh Quảng Nam nên cả phía chính quyền và công ty đều lúng túng trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục.
“Giai đoạn 2010-2015, công ty nhận đất nhưng không nhận được hướng dẫn của cơ quan chức năng. Giai đoạn 2015-2016, HĐND tỉnh mới có nghị quyết về cơ chế cụ thể cho dự án. Sau đó, công ty tập trung làm hạ tầng nhưng đang làm thì Ban quản lý KĐT mới Điện Nam - Điện Ngọc giải thể, dự án chuyển về cho thị xã Điện Bàn, Sở Xây dựng nên phải làm lại rất nhiều hồ sơ. Chúng tôi mất hai năm chỉ để làm lại hồ sơ, thủ tục” - ông Thắng phân trần, đồng thời vẫn khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Đỉnh điểm là vụ việc hàng ngàn khách hàng mua đất tại ba dự án KĐT Hera, Sakura và Eco do Công ty CP Bách Đạt An làm CĐT kéo đến trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam kêu cứu mà Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh. Vụ việc đã được tòa thụ lý nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, nhiều dự án huy động vốn bằng hợp đồng góp vốn trong thời điểm thị xã Điện Bàn sửa quy hoạch KĐT mới Điện Nam - Điện Ngọc khiến sau này các dự án không thể ra sổ hồng đúng hẹn. Cơn sốt đất lớn giai đoạn 2016-2019 đã đẩy giá đất tăng cao, nhiều CĐT không đủ tiền hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để ra sổ hồng. Tất cả yếu tố này đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư nói chung và đầu tư BĐS nói riêng tại tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho hay địa phương thường xuyên cảnh báo người dân phải tìm hiểu thật kỹ pháp lý dự án trước khi mua, không mua đất tại các dự án chưa đủ điều kiện. “Nếu mua dự án không rõ ràng pháp lý thì sau này dễ xảy ra khiếu kiện và người mua khó có thể được đảm bảo quyền lợi” - ông Hà cho hay.
Theo ông Hà, KĐT mới Điện Nam - Điện Ngọc có hơn 100 dự án BĐS. Trên thực tế, KĐT mới này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị Điện Bàn, đưa Điện Bàn từ huyện lên thị xã. Tuy nhiên, quá trình thực hiện KĐT mới có nhiều thay đổi về quy hoạch, cơ chế chính sách. Nhất là sau khi Ban quản lý KĐT mới Điện Nam - Điện Ngọc giải thể năm 2017, thị xã Điện Bàn nhận bàn giao lại thì hồ sơ lưu trữ có nhiều thiếu sót.
“Khi kiểm tra hồ sơ, chúng tôi nhận thấy hạ tầng khớp nối còn chệch choạc nên đã xin chủ trương tạm dừng triển khai để rà soát. Từ năm 2017 đến 2019, do dừng lại để điều chỉnh quy hoạch nên không làm thủ tục triển khai các dự án được. Đây là một phần lý do khiến các dự án BĐS bị chậm” - ông Hà lý giải.
Công an vào cuộc xác minh Ngày 11-10, lãnh đạo Phòng PC03 Công an tỉnh Quảng Nam xác nhận đơn vị đã có văn bản gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn yêu cầu cung cấp nội dung, tài liệu liên quan đến các dự án tại KĐT Điện Nam - Điện Ngọc do Công ty CP Bách Đạt An làm CĐT như KĐT An Phú Quý, An Cư 1, Sentosa Riverside, 7B, Bách Đạt, Hera Complex Riverside... Có khoảng 1.000 người mua đất tại các dự án trên nhiều năm nhưng chưa được cấp sổ hồng. Trước đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng từng xét xử vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc môi giới đất nền giữa Bách Đạt An và Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam (đơn vị phân phối dự án). Phiên tòa có sự tham gia của gần 300 khách hàng mua đất nền tại các dự án trên. Theo án tuyên, Công ty Bách Đạt An có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện giao đất, lập các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người liên quan. Bản án đã tuyên hơn một năm nhưng đến nay các bên vẫn chưa thi hành.
|
|
Thanh Nhật - Tấn Việt