leftcenterrightdel
 Tại Hà Nội, giá nhà đã tăng lên tới 30%

Giá bất động sản ở Hà Nội tăng cao

Theo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2021 mới đây của Bộ xây dựng, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Loại hình căn hộ bình dân (có mức giá từ 25 – 30 triệu đồng/m2) chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận/huyện như tại Hà Nội. Đơn cử như dự án Rose Town tại số 79 Ngọc Hồi, Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai giá rao bán khoảng 26 triệu đồng/m2, dự án chung cư Bình Minh Garden tại đường Đức Giang, Phường Đức Giang, Long Biên có giá rao bán khoảng 26,3 triệu đồng/m2…

Mặc dù vậy, mảng giá này cũng không còn là thấp đối với nhiều người dân có thu nhập trung bình. Anh N.N.T (Quốc Oai) cho biết, hai vợ chồng anh làm việc và sinh sống tại nội thành Hà Nội. Đã mấy năm nay hai vợ chồng vẫn đang phải thuê nhà, được sở hữu một căn hộ là kế hoạch hai vợ chồng đã đề ra kể từ khi mới lấy nhau, thế nhưng 5, 6 năm trôi qua giấc mơ đó vẫn xa vời.

“Thời điểm mới lấy các căn hộ tầm 15, 17 triệu/m2 cũng có. Thế nhưng lúc ấy vợ chồng tôi chưa có tiền tích cóp nên không dám tính chuyện kiếm nhà. Đến nay tuy đã tích cóp được ít thì giá nhà lại tăng lên rất nhiều. Các căn hộ trên dưới 1 tỷ rất khan hiếm, hoặc nếu có giá ấy bắt buộc phải chấp nhận mua lại những căn hộ nhà ở xã hội được xây cách đây cả chục năm, vị trí xa trung tâm. Và kể cả chấp nhận mua lại, diện tích cho tầm giá 1 tỷ - 1,5 tỷ cũng nhỏ hẹp, không được rộng rãi.” – anh T. nói.

Cũng như vợ chồng anh T., chị N.T.H (Thái Bình) cùng chồng, con đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhắm tới một dự án nhà ở xã hội tại quận Long Biên. “Trước đây thấy thông tin trên báo chí cũng như các sàn giao dịch bất động sản thấy dự án nhà ở xã hội tại Thượng Thanh, Long Biên có giá bán trung bình chỉ từ 16,8 triệu/m2, tôi đã tràn đầy hy vọng vào việc giấc mơ sở hữu một căn hộ tại Hà Nội sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên khi đi tìm hiểu thực tế thì rất khó có thể tiếp cận với mức giá ấy.” – chị H. cho biết.

Căn hộ chung cư bình dân đã khan hiếm vậy, nhà đất thổ cư có giá dưới 2 tỷ tại Hà Nội lại càng hiếm hơn. Chỉ riêng từ năm 2020 tới nay, nhiều mảnh nơi tại Hà Nội giá nhà đã tăng lên tới 30%, thậm chí kể cả những nơi xa trung tâm cũng giá vài chục triệu đồng mỗi m2.

Đơn cử tại Long Biên, một căn nhà tại phường Thạch Bàn có diện tích 30m2 đã xây dựng hoàn thiện thời điểm này năm 2020 giá nhà dao động từ 1,8 – 2 tỷ thì đến nay, không có bất cứ căn nhà nào tương tự được bán ra với giá thấp hơn 2,4 tỷ.

Anh Phan Khánh, một môi giới bất động sản cũng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng vì dịch Covid – 19, thế nhưng hầu như các sản phẩm bất động sản bán ra đều tăng. “Để tìm một căn hộ chung cư có giá dưới 2 tỷ rất hiếm tại các khu vực trung tâm. Nhà đất lại càng khó, hoặc nếu có thì cũng ít người chấp nhận bỏ tiền. Ví dụ như hiện đang có 1 căn trong ngõ, ngách quận Hai Bà Trưng, diện tích trên sổ chỉ 16m2, nhưng giá rao bán đã 1,8 tỷ…” – anh Khánh nói.

Rất ít những dự án đầu tư cho phân khúc này

Lý giải việc khan hiếm nguồn cung nguồn bất động sản bình dân, theo anh Phan Khánh, giá nhà tăng do nguồn cung nhà đất khan hiếm, quỹ đất ngày càng hạn chế. Cùng với đó, giá nhà đất tăng do khung giá đất tăng mạnh, các địa phương ban hành bảng giá đất mới đều tăng hơn so với trước đây.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng giá bán trên thị trường bất động sản thời gian gần đây là do tiến độ cấp phép dự án mới bị chậm. Chỉ tính riêng trong quý II/2021, Hà Nội không có bất cứ dự án mới nào được cấp giấy phép đủ điều kiện bán hàng, dẫn đến tình trạng nguồn cung khan hiếm, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí xây dựng tăng đã buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh tăng giá bán nhằm đảm bảo lợi nhuận.

Đánh giá trong hội nghị tổng kết ngành năm 2021, Bộ Xây dựng cũng nhận định thị trường bất động sản hiện nay đang trong tình trạng lệch pha cung cầu, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đang rất bức thiết nhưng rất ít những dự án đầu tư cho phân khúc này.

Biết rằng nhu cầu nhà ở bình dân luôn rất cao, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn không mặn mà triển khai các dự án ở phân khúc này, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội cho biết. Với dự án NƠXH, Nhà nước đã ra rất nhiều chính sách cho chủ đầu tư ví dụ như không thu tiền sử dụng đất, thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân hoặc các khoản vay ưu đãi. Nhưng thực tế lộ trình các DN đi làm những thủ tục về đầu tư xây dựng NƠXH thì việc thực hiện chính sách còn nhiều vướng mắc, ông Cường lý giải.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội, để tháo gỡ vướng mắc, điều cần thiết hiện nay là Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo ra nguồn cung sản phẩm mới thật dồi dào cho thị trường. Đồng thời, UBND TP, các Sở, ban, ngành cũng nên xem xét thực hiện pháp lệnh nhà ở của Chính phủ là ưu tiên dành quỹ đất để phát triển NƠXH và đối tượng lợi ích hướng đến đầu tiên phải là người dân, những người có thu nhập thấp, những người được Nhà nước ưu đãi tiếp cận quỹ NƠXH.

Minh Dương


Nguồn Pháp luật và xã hội
Link bài gốc

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khan-hiem-ve-nguon-cung-nha-o-binh-dan-o-noi-do-273912.html