Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hữu Lũng do Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore đề xuất. Dự án có diện tích quy hoạch rộng 599,76ha. Thời gian sử dụng đất là 50 năm. Địa điểm xây dựng tại xã Hồ Sơn, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng. Dự án có tổng vốn đầu tư là 6.361.328.000.000 đồng (vốn góp của nhà đầu tư là 954.199.200.000 đồng; Vốn huy động là 5.407.128.800.000 đồng). 

Bên cạnh mục tiêu thu hút doanh nghiệp, tạo việc làm, an sinh xã hội, phát triển kinh tế, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nóng tại các dự án. Đặc biệt, tại dự án này đang có hiện trạng đất gồm: đất trồng lúa có 105,49ha; đất trồng cây hàng năm có 34,26ha; đất trông cây lâu năm 255,85ha; đất rừng sản xuất 131,9ha; đất nuôi trỏng thủy sản 2,46ha; đất phi nông nghiệp 64,97ha, đất chưa sử dụng 4,83ha.
leftcenterrightdel
 KCN Hữu Lũng - Sơ đồ vị trí và liên kết vùng

Trên cơ sở phân tích tính khả thi, ngoài vấn đề phù hợp với quy hoạch, tại văn bản số 7919/BKHĐT-QLKKT, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn làm rõ chi tiết các loại đất, ký hiệu và diện tích từng loại đất tại khu vực thực hiện Dự án và nhấn mạnh làm rõ các loại đất trên hiện đang được nhà nước giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, cá nhân nào sử dụng, có thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của pháp luật về tài sản công?

Bộ KH&ĐT cũng đặc biệt lưu ý là: “Đánh giá năng suất, hiệu quả của phần diện tích đất nông nghiệp so với năng xuất trung bình của huyện Hữu Lũng và tỉnh Lạng Sơn; làm rõ sự phù hợp của việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa so với chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất lúa còn lại sang đất phi nông nghiệp của tỉnh Lạng Sơn đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/5/2018 và kế hoạch sử dụng đất Hữu Lũng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung phương án thay thế diện tích bị chuyển đổi hoặc phát triển hiệu quả đất trồng lúa theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai".

Đối với đất rừng, cũng cần làm rõ sự phù hợp của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, việc đáp ứng điều kiện và thực hiện trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Ngoài ra, về năng lực nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá cụ thể năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư, trong đó làm rõ khả năng đáp ứng điều kiện đối với người được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai, khoản 2, 3 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Bởi theo UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh cũng đã đề nghị nhà đầu tư bổ sung các tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời bổ sung thêm nội dung hiện tại nhà đầu tư có sử dụng nguồn vốn thuộc sở hữu để đầu tư các dự án, khoản đầu tư dài hạn khác hay không. Nếu có, nhà đầu tư phải lập danh mục các dự án, các khoản đầu tư dài hạn khác hay và đảm bảo số vốn thuộc sở hữu còn lại của nhà đầu tư đáp ứng đủ theo mức vốn thuộc sở hữu mà nhà đầu tư đã cam kết và quy định về mức vốn góp tối thiểu tại Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Và tại hồ sơ đề xuất dự án, nhà đầu tư chưa kê khai kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự và chưa có hồ sơ kinh nghiệm các dự án tương tự (!?).

Liên quan đến các nội dung chuyên ngành khác, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cũng đã có ý kiến. Nội dung cụ thể ý kiến phản biện ra sao, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng như Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore cần phải làm rõ thêm nội dung gì? Tất cả sẽ được phản ánh ở bài viết sau!

(Còn nữa)
Huê Minh
Nguồn Thương hiệu và pháp luật
Link bài gốc

https://thuonghieuvaphapluat.vn/lang-son-de-xuat-khu-cong-nghiep-59976ha-1-co-nhieu-tieu-chi-dang-can-duoc-lam-ro-d48904.html