Dự án đã có sổ đỏ tổng từ 2017, và dự kiến chậm nhất đến quý 4 năm 2022, sẽ có sổ đỏ từng lô đất giao khách. 

Bên cạnh một số dự án bị chậm sổ đỏ vì nguyên nhân đến từ chủ đầu tư lơ là, chây ì; tại không ít dự án, xảy ra tình trạng nêu trên có những nguyên nhân khách quan “trên trời rơi xuống”. Sự việc xảy ra tại dự án Khu đô thị Mega City (An Điền, TX Bến Cát, Bình Dương; do Cty CP Đầu tư & Phát triển Thuận Lợi làm chủ đầu tư) là một ví dụ như vậy.

Tâm huyết đổ vào dự án “khởi nghiệp”

Tại dự án này, ngày 31/12/2021 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký Quyết định 3198/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư với dự án, xác nhận nguồn vốn gần 2.300 tỷ đồng, cụ thể các bước thực hiện, tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động... Theo Quyết định trên, chậm nhất quý 4 năm 2022 dự án sẽ có sổ đỏ cho từng thửa đất. Như vậy, sau hơn 4 năm từ khi dự án được cấp sổ đỏ “tổng”, chuyện cấp sổ đỏ riêng tới từng khách hàng mới được giải quyết dứt điểm.

Khu vực Cty Thuận Lợi phát triển dự án Mega City (tên thương mại) hiện nay thực chất là do hai dự án tạo nên (dự án Khu dân cư (KDC) Cầu Đò và Mỹ Phước 4 - khu B).

Trong quá khứ, hai dự án này đều từng đứng tên một Cty khác, sau đó phát mãi bán đấu giá. Thuận Lợi trúng đấu giá, nhận chuyển giao từ giữa năm 2016.

Ông Nguyễn Thuận (TGĐ Cty Thuận Lợi) cho hay, khi được bàn giao, cái gọi là “dự án” này chỉ là một khu vực ngập nước lầy lội chăn thả trâu bò. Chủ cũ dự án còn nợ hàng chục tỷ tiền sử dụng đất, chưa đền bù một số hộ dân. Thuận Lợi phải nộp thay, đền bù thay, được tỉnh cấp sổ đỏ cho cả dự án (sổ đỏ tổng) vào 2017. Cùng năm 2017, quy hoạch chi tiết (1/500) của dự án được duyệt.

Mega City được đánh giá là dự án có vị trí đắc địa nhất khu vực, liền kề trung tâm hành chính Bến Cát, tiếp giáp các trục đường chính như QL13 là huyết mạch kết nối nhiều tỉnh, thành. Một ưu đãi “trời cho” khác với dự án là có sông Thị Tính chạy bao quanh một mặt, đảm bảo thiết kế theo hướng sinh thái môi trường.

Là DN khởi nghiệp tại Bến Cát nên ông Thuận cho hay đã đầu tư vào dự án này với quan điểm không vì lợi nhuận; mà vì tri ân, muốn đóng góp “thay da, đổi thịt” diện mạo đô thị Bến Cát; cung cấp những sản phẩm bất động sản gia tăng giá trị theo thời gian.

Thuận Lợi đã không chỉ đầu tư vào hạ tầng của dự án mà còn đầu tư hạ tầng các khu vực quanh dự án như chi 130 tỷ xây kè sông, công viên 4,5, đường đê bao ven sông Thị Tính đoạn bao quanh dự án. Hiến đất, đầu tư hàng chục tỷ mở rộng cải tạo xây mới một số con đường kết nối vào dự án, công trình kênh rạch liền kề…


 Cty Thuận Lợi cho biết đã đầu tư nhiều công sức, tâm huyết vào dự án tri ân Bến Cát này.

Với hạ tầng bên trong dự án, DN đã hoàn thành 100% các việc san nền, hệ thống cấp thoát nước, PCCC, thông tin liên lạc, công viên trung tâm. Về giao thông, cảnh quan, cây xanh, đã hoàn thành 90%. Hệ thống cấp điện trung - hạ thế, chiếu sáng đã đầy đủ. Đây là dự án đầu tiên tại địa phương có hệ thống điện âm.

Hạ tầng dự án đã hoàn toàn đáp ứng nhu cầu xây nhà, ổn định chỗ ở của khách hàng. Nhưng dự án vẫn chưa thuận lợi như cái tên của chủ đầu tư.

Những vướng mắc “trên trời rơi xuống”

Ông Thuận cho biết, dự án mất một thời gian dài trầy trật, tới nay mới định chính xác ngày ra sổ đỏ cho từng thửa, vì phát sinh những rắc rối hoàn toàn khách quan mang tới.

Thứ nhất, dù quy hoạch 1/500 đã được duyệt từ 2017, nhưng sau đó tỉnh chỉ đạo thay đổi hướng tuyến một trong các con đường kết nối dự án. Khi công trình cây cầu Cầu Đò 2 được Nhà nước thực hiện và bắc qua dự án, một lần nữa quy hoạch 1/500 phải thay đổi theo. Như vậy, hai lần phải “yêu lại từ đầu”.

Thứ hai, do sơ suất của cơ quan chuyên môn, khi đo đạc ranh giới chưa phù hợp hành lang bảo vệ sông Thị Tính, dẫn đến phải đo đạc lại cho thật chính xác, điều chỉnh ranh giới.

Thứ ba, khi dự án đang triển khai hanh thông thì “trên trời rơi xuống” đơn thư cho rằng Thuận Lợi đã trúng đấu giá dự án này không đảm bảo quy định; nên các thủ tục triển khai dự án phải tạm dừng. Ông Thuận cho rằng đây là động thái cạnh tranh không lành mạnh của một số “đối thủ”. Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc, kết luận trong cuộc bán đấu giá dự án, hoàn toàn không có hành vi làm trái, không gây thất thoát tài sản nhà nước.

Chưa kịp “hoàn hồn”, Thuận Lợi lại bị hai khách hàng hiểu nhầm, làm đơn “tố cáo” . Bộ Công an phải vào cuộc.

Cụ thể, năm 2019 Thuận Lợi ký hai hợp đồng nguyên tắc với hai khách. Sau ít ngày, hai khách này có đơn tố Thuận Lợi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau quá trình xác minh điều tra, cuối 2020, Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an đã ra quyết định, nêu rõ không có tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra như tố cáo với Thuận Lợi.

Rắc rối “hành hạ” Thuận Lợi nhiều nhất, là phát hiện tại dự án có thửa đất công xen kẹt 7.551m2 không đường đi vào, nằm lọt thỏm trong dự án. Tỉnh Bình Dương từng chấp nhận phương án cho Thuận Lợi nộp tiền để lấy khu đất này, nhưng đó là thời điểm đồng thời xuất hiện đơn tố cáo của khách hàng như trên, nên địa phương rút lại ý kiến.

Giải quyết vấn đề này, mới đây, ngày 16/12/2021, UBND tỉnh đã ra Quyết định 2888/QĐ-KPHQ không xử phạt hành chính (không phạt tiền) Cty Thuận Lợi trong sự việc liên quan khu đất công xen kẹt. Theo Nghị định 148/2020/NĐ-CP hiệu lực từ 8/2/2021, đây là khu đất công xen kẹt nằm hoàn toàn trong dự án, không có người sử dụng đất liền kề, nên không phải đấu giá, chỉ cần làm thủ tục giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Bài học rút ra sau những rắc rối

Hậu quả của những rắc rối “trời ơi” như trên, trước tiên là chủ đầu tư phải gánh chịu, nhiều năm trời phải đeo bám đề nghị giải quyết, mất thêm rất nhiều chi phí và cơ hội đầu tư khác. Về phía khách hàng, do bức xúc vì chậm có sổ đỏ riêng nên trút bức xúc lên đầu chủ đầu tư. Bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Thuận Lợi) và các nhân viên Cty nhiều lần phải ôm mặt khóc nghẹn ngào ngay tại dự án; khi bị một số khách hàng vì hiểu nhầm và bức xúc mà gây áp lực, thậm chí xúc phạm mạt sát.

Bà Oanh cho hay, theo Quyết định 3198/QĐ-UBND, dự kiến chậm nhất đến quý 4 năm 2022, sẽ có sổ đỏ từng lô đất giao khách hàng tại dự án. Quá trình khách hàng và DN trồng cây khổ nhọc đã sắp đến ngày hái quả, nhưng vấn đề quan trọng hơn là làm sao để những câu chuyện khổ sở như vậy không lặp lại?

Bà Oanh cho hay, qua sự việc, DN rút ra bài học cần phải nâng cao trình độ pháp lý cho cán bộ chuyên môn, chấp hành đúng các quy định pháp luật, phải có khả năng dự báo được những rắc rối pháp lý có thể xảy ra; có thái độ cầu thị, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc. Với khách hàng, DN càng phải tôn trọng hơn nữa, phải coi mọi khách hàng là ân nhân, mọi hiểu nhầm, bức xúc từ phía khách hàng có thể đến từ lỗi của chính Cty. Và nếu không may có hiểu nhầm xảy ra, phải cầu thị thương lượng thỏa thuận.

Bà Oanh cho biết, tiếp giáp Mega City, trước đây Thuận Lợi đã triển khai thành công dự án Mỹ Phước 4 - khu A. Thực tế cho thấy sau khi Mỹ Phước 4 - khu A hoàn thành và Mega City định hình, khu vực này đã dần định hình thành khu vực trung tâm thương mại mới của Bến Cát. Mỹ Phước 4 – khu A hiện sầm uất sôi động bậc nhất Bến Cát, giá trị bất động sản đã tăng tới 3-4 lần. Một lô đất khách hàng mua năm 2017 giá 400 triệu đồng, nay có thể rao bán tới 1,8 tỷ.

Tại Mega City, được đánh giá tiềm năng không kém. Dự kiến trong năm 2022, cùng với yếu tố cây cầu Cầu Đò 2 chạy qua dự án thông xe, công viên ven sông Thị Tính hoàn thành thì dự án càng được đánh giá cao, bất động sản tại đây tiếp tục thiết lập một mức giá mới; và đối tượng thụ hưởng những giá trị này trước hết và nhiều nhất là khách hàng của dự án.

Bình An


Nguồn https://baophapluat.vn/
Link bài gốc

https://baophapluat.vn/bds/noi-kho-tam-cua-du-an-bat-dong-san-bi-cham-so-do-post429928.html?fbclid=IwAR2UdA-f1ErNVYDUyst17-pTVqgpCpLNtgEJIVuG9m9Nk2U-G-8hm7e03gA