“Quên” dành đất cho NƠXH
KTNN vừa có báo cáo công tác năm 2021 của KTNN gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Báo cáo chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, KTNN chỉ ra nhiều bất cập.
Theo cơ quan kiểm toán, trong giai đoạn trên, một số địa phương như tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng còn chưa bố trí quỹ đất dành cho phát triển NƠXH theo quy định.
|
|
Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều dự án không bố trí diện tích đất dành cho NƠXH theo quy định (Ảnh: Phối cảnh dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B) |
Trong khi đó, TP.HCM chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở bao gồm loại hình văn phòng có nhân viên lưu trú (officetel) chưa đủ căn cứ pháp lý, đó là dự án Chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng tại khu đất số 79/5B Nguyễn Xí.
Bên cạnh đó, nhiều dự án không bố trí diện tích đất dành cho NƠXH theo quy định như: Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B; Đồ án tỷ lệ 1/2000 dự án Sài Gòn Sports City; Đồ án tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư phường Tân Định, quận 1; Đồ án QHPK 1/2000 Khu dân cư phía Bắc Đại lộ Võ Văn Kiệt quận Bình Tân.
Liên quan đến việc phát triển NOXH tại Hà Nội và TP.HCM, nêu tại Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020, KTNN cho biết cả 2 địa phương đều thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, Hà Nội chỉ đạt 16% tổng diện tích sàn; TPHCM đạt 69% so với kế hoạch.
KTNN cũng chỉ ra rằng, một số dự án tại TP.HCM được hoán đổi 20% diện tích đất để phát triển NƠXH bằng một khu đất khác không có trong quy định như Khu dân cư và công viên Phước Thiện, Khu dân cư Hoàng Nam ở phường An Lạc quận Bình Tân.
Bên cạnh đó, KTNN cho biết, việc cho phép nộp bằng tiền thay cho việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển NƠXH đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha là không phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
|
|
Hà Nội báo cáo Thủ tướng dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán, xây dựng công trình bãi đỗ xe tại khu đất đấu giá TQ5 (2), thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có nguồn gốc đất do trúng đấu giá và các dự án đấu giá quyền sử dụng đất tương tự mà không bố trí NƠXH |
TP.HCM và Hà Nội chưa có hướng dẫn, quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% vào ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng NƠXH.
Đáng chú ý, tại 5 dự án được kiểm toán chi tiết ở TP.HCM có 85 trường hợp người được mua, thuê NƠXH có dấu hiệu đã có nhà ở; 64 trường hợp người được mua, thuê NƠXH có giao dịch ủy quyền về NƠXH.
Tại 2 dự án ở Hà Nội được kiểm toán chi tiết có 122 khách hàng được mua, 16 khách hàng được thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích.
Dự án trúng đấu giá không bố trí nhà xã hội
Vào tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản về việc thực hiện chỉ đạo chỉ đạo của Thành uỷ các nội dung liên quan đến đầu tư phát triển NƠXH trên địa bàn TP.
Nêu tại văn bản này, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng để bán, xây dựng công trình bãi đỗ xe tại khu đất đấu giá TQ5 (2), thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có nguồn gốc đất do trúng đấu giá và các dự án đấu giá quyền sử dụng đất tương tự mà không bố trí NƠXH để tổng hợp tình hình, cơ chế đầu tư liên quan mô hình nhà ở xã hội (phân tán, tập trung) để báo cáo.
Giao Sở Xây dựng dự thảo văn bản của thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm nghĩa vụ phát triển NƠXH tại các dự án đầu tư nêu trên.
Theo báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2021 của Bộ Xây dựng, số liệu tổng hợp từ 55/63 địa phương có báo cáo, trong quý II/2021 cả nước có 3 dự án NƠXH với hơn 1.700 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa có 94 dự án với 123.085 căn đang được triển khai.
Ngoài ra còn có 2 dự án với 264 căn đang hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 5 dự án với 1.855 căn hộ tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý các địa phương về nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như TP. HCM, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc NƠXH.
Đây là thực trạng đã được báo chí phản ánh tại không ít dự án NƠXH thời gian qua. Đánh giá về thực trạng các dự án NƠXH dù chưa mở bán nhưng vẫn xuất hiện giá chênh, chuyên gia bất động sản cho rằng một trong những nguyên nhân bởi nhu cầu lớn nhưng nguồn cung ít.
Cùng với đó nguyên nhân thiếu NƠXH tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM còn bởi thiếu quỹ đất, nhiều chủ đầu tư không bố trí 20% quỹ đất trong dự án để làm NƠXH.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý NƠXH của Chính phủ quy định, với dự án dưới 10ha, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Bởi vậy, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn hình thức nộp tiền khiến quỹ đất phát triển NƠXH thực tế đang bị thu hẹp. Số tiền doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước đó không được bố trí cho quỹ phát triển nhà ở địa phương.
Nghị định 49/2021 vừa được Chính phủ ban hành ngày 1/4 được coi là “cú hích” quan trọng khắc phục bất cấp trên, gỡ vướng cho việc phát triển NƠXH.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, với những trường hợp chủ đầu tư thấy bố trí quỹ đất 20% làm NƠXH không phù hợp, địa phương báo cáo với Thủ tướng, đồng thời phải xác định rõ vị trí, diện tích đất bố trí thay thế làm NƠXH tại địa điểm khác trên phạm vi địa bàn.
Thanh Sơn