Được biết, dự án Xây lắp công trình “Gia cố mái taluy, chống sạt lở đường tỉnh 458 (đường 39B) đoạn từ Km8+500 đến Km8+900; Km10+023 đến Km10+138; Km10+855 đến Km11+005; Km11+080 đến Km11+185" (sau đây viết tắt là Dự án) do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty TNHH tư vấn xây dựng và phát triển hạ tầng Nguyên Chương và Công ty TNHH Mai Ngọc Thái Nguyên là đơn vị trúng thầu thi công. Tổng giá trị gói thầu là: 4.036.061.000 đồng, loại hình hợp đồng trọn gói. Đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý và bảo trì công trình đường bộ, thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình.

Mới đây, phản ánh đến Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, người dân ở xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương cho biết: cả một tuyến kè đê dài hàng 100m mới đưa vào sử dụng chưa được một năm đã sạt lở, nứt toác gây nguy hiểm cho người dân sống trong khu vực cũng như người và phương tiện lưu thông qua đây.

Một số hình ảnh sạt lở, sụt lún tại công trình dự án Xây lắp công trình gia cố mái taluy, chống sạt lở đường tỉnh 458 (đường 39B) do Sở GTVT tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư, trước khi người dân và báo chí phản ánh

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bà N.T.N người dân sống và kinh doanh bán hàng ngay sát đoạn đê này cho biết: khu vực này bị sạt lở từ lâu rồi và họ (đơn vị thi công – PV) đã phải gia cố, sửa chữa nhiều lần rồi. Nhưng không hiểu họ sửa chữa thế nào mà cứ sau một thời gian lại bị hư hỏng tiếp. Đây là lần thứ 3 họ phải sửa chữa tại khu vực này.

Còn theo ông Trần Hữu Đ. cho biết: sau hàng loạt sự cố tại công trình này, người dân cũng đã phản ánh đến cơ quan chức năng liên quan nhưng đến nay sự việc không thể giải quyết triệt để. Hiện tượng sạt lở vẫn tái diễn.

Liên quan đến chất lượng công trình trên, khi trả lời PV một tờ báo, bà Phạm Hải Yến - Giám đốc Ban Quản lý và bảo trì công trình đường bộ đã lý giải về nguyên xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún và nứt toác tại dự án trên là do… thời tiết ?!

Theo bà Phạm Hải Yến, nguyên nhân cụ thể là trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua do áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều, nước chảy nên mới bị sạt lở ?!

Trước nội dung trả lời trên, nhiều ý kiến cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính, bởi theo quan sát của PV thì mặt nước và dòng chảy của dòng sông này rất tĩnh. Mặt khác, theo phản ánh của người dân thì sự cố sạt lở, xuống cấp tại dự án đã xảy ra nhiều lần trước đó. Chính vì thế, Giám đốc Phạm Hải Yến đổ lỗi do thời tiết không thuyết phục.

Điều đặc biệt, cũng theo nội dung bà Yến trả lời báo chí, thì vị giám đốc này đã thừa nhận rằng: rất may dự án còn mấy ngày nữa mới hết bảo hành, do vậy, nhà thầu phải chịu trách nhiệm và sửa lại.

Công trình dự án đã được tu sửa sau khi báo chí phản ánh

Quả thực chúng tôi rất bất ngờ trước thông tin này, bởi lẽ, thay vì cầu thị, tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân cũng như báo chí. Đúng ra, bà Yến với vai trò là người đứng đầu đơn vị và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình của dự án trước chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải và UBND tỉnh Thái Bình, phải tổ chức tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn bộ về chất lượng công trình, qua đó làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến việc tuyến kè đê kia bị sụt lún, nứt toác, thì bà Yến lại đổ cho thời tiết, và may mắn.Đặt giả thiết, nếu sự cố công trình này xảy ra sau mấy hôm nữa, khi mà dự án hết thời gian bảo hành thì ai, đơn vị nào sẽ là người chịu trách nhiệm sửa chữa, gia cố tuyến đê có dấu hiệu không đạt chuẩn chất lượng thi công công trình này.

Công dân ở xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình phản ánh với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về tuyến kè đê thuộc dự án trên đã trả qua 3 lần gia cố, sửa chữa khi mới đưa vào sử dụng chưa được 1 năm ?!

Và liệu có căn cứ nào để chứng minh công trình này sẽ không bị xuống cấp, sụt lún khi hết hạn thời gian bảo hành, khi đó nguồn kinh phí sẽ lấy từ đâu hay lại phải “rút ruột” ngân sách nhà nước để chi phí cho hoạt động sửa chữa công trình của dự án? Câu hỏi này chúng tôi xin kính chuyển đến chủ đầu tư dự án để tìm lời giải.Việc để một công trình có giá trị đầu tư tiền tỷ mà mới đưa vào sử dụng chưa đây 1 năm đã xuống cấp nghiêm trọng như thế, thì bất cứ ai chứng kiến cũng đều thấy xót xa. Đến đây dư luận có quyền đặt nghi vần rằng, liệu liên doanh nhà thầu thi công là Công ty TNHH tư vấn xây dựng và phát triển hạ tầng Nguyên Chương và Công ty TNHH Mai Ngọc Thái Nguyên có bắt tay thi công ẩu, không đúng thiết kế dẫn đến chất lượng công trình không đạt chuẩn chất lượng?

Ngoài ra, để làm rõ dự án có bị “rút ruột” công trình hay không, thiết nghĩ các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Thái Bình như: Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình và đặc biệt là Công an tỉnh Thái Bình cần tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc để trả lời trước công luận.

Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 29/6/2021, Liên danh Công ty TNHH tư vấn xây dựng và phát triển hạ tầng Nguyên Chương và Công ty TNHH Mai Ngọc Thái Nguyên tiếp tục trúng gói thầu Xây lắp công trình và bảo đảm an toàn giao thông thuộc công trình sửa chữa đường tỉnh 455. Tổng giá trị gói thầu là: 3.985.838.000 đồng.

Về trình tự thủ tục thực hiện thực hiện đấu thầu dự án trên và năng lực thi công của Liên danh Công ty TNHH tư vấn xây dựng và phát triển hạ tầng Nguyên Chương và Công ty TNHH Mai Ngọc Thái Nguyên sẽ được Môi trường và Đô thị Việt Nam thông tin trong bài báo tiếp theo.

Phóng Viên 

Nguồn Môi Trường và Đô Thị
Link bài gốc

https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/giao-thong/thai-binh-can-lam-ro-chat-luong-cong-trinh-mot-du-an-tien-ty-a86514.html