leftcenterrightdel
 TTCP xác định, dự án Hamubay Phan Thiết có 26,9ha đất mặt nước ven biển được giao chưa đúng trình tự, thủ tục quy định.

Ông Đặng Công Huẩn, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ký kết luận về việc UBND tỉnh, gồm: Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, Hamubay Phan Thiết, Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, Trường Mầm non Lê Quý Đôn.

Theo đó, ở dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, thành phố Phan Thiết (tên thương mại là Hamubay Phan Thiết), tại thời điểm có quyết định giao Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư, phần lớn diện tích đất chưa được giải phóng mặt bằng.

Dự án này được giao cho Công ty Trường Phúc Hải nghiên cứu, khảo sát lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và đề xuất phương án sử dụng đất từ năm 2010. Công ty Trường Phúc Hải đã được các sở, ngành có liên quan thẩm định năng lực để lựa chọn làm chủ đầu tư dự án từ trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. Trước ngày 1/7/2014, do phần lớn diện tích đất thực hiện dự án phải bồi thường giải phóng mặt bằng nền dự án thuộc trường hợp được giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

“TTCP nhận thấy công dân tố cáo UBND tỉnh Bình Thuận giao đất cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải đầu tư dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long không qua đấu giá quyền sử dụng đất là không có cơ sở. Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận giao và cho thuê đối với 26,9ha đất mặt nước ven biển là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định”, kết luận nêu.

TTCP yêu cầu tỉnh Bình Thuận tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan đến thiếu sót trong việc ban hành quyết định giao mặt nước biển cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải. Kiểm tra tình hình triển khai dự án, làm rõ nguyên nhân chậm triển khai theo tiến độ đã phê duyệt. Nếu chủ đầu tư không có năng lực triển khai dự án thì tiến hành thu hồi.

leftcenterrightdel
 Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương được Thanh tra Chính phủ kết luận là giao đất đúng quy định.


Đối với dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, tại thời điểm tỉnh Bình Thuận có quyết định chủ trương đầu tư thì 12,54ha đất thực hiện dự án được xác định thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, được miễn tiền thuê đất.

Đến năm 2018, dự án này có 2,06ha thuộc xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết nên tỉnh Bình Thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch 1/500. TTCP kết luận, việc giao đất không thu tiền sử dụng đất và không qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2,06ha để Công ty TNHH Biển Quê Hương-Phan Thiết đầu tư các công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh là đúng quy định.

Còn khu vực đất thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát có nguồn gốc là đất nghĩa trang tập trung, sau khi di dời thì còn nhiều hố sâu, tường và bia mộ để lại làm mất mỹ quan và mang yếu tố tâm linh nên không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, dù đã thông báo nhiêu lần từ năm 2013-2015. Do đó, đủ điều kiện để UBND tỉnh Bình Thuận xem xét cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Tương tự, đất thực hiện dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn là đất công do Nhà nước quản lý. Tại thời điểm UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định chủ trương đầu tư, dự án thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, được miễn tiến thuê đất. Vì vậy, dự án thuộc trường hợp cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

 

Ngày 18/11/2021, trước thông tin báo chí phản ánh về các dự án giao “đất vàng” cho doanh nghiệp không qua đấu giá công khai gây thất thoát ngân sách, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo để giải đáp thông tin. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, các dự án này được giao đất không qua đấu giá thuộc các trường hợp đặc biệt, có dự án đưa ra đấu giá 6 lần nhưng không có nhà đầu tư tham gia.


Theo Tienphong

Nguồn Pháp luật Việt Nam
Link bài gốc

https://baophapluat.vn/bds/thanh-tra-chinh-phu-ket-luan-du-an-hamubay-phan-thiet-post426006.html