Tháng 6/2021, UBND thị xã Hương Trà (tỉnh TT-Huế) đồng loạt tổ chức bán đấu giá đất khu quy hoạch dân cư tại nhiều phường, xã ngay trước thời điểm các địa phương này sáp nhập vào địa giới hành chính TP Huế.

Trong số các phường, xã thuộc diện chờ sáp nhập vào TP Huế có đất quy hoạch do UBND thị xã Hương Trà tổ chức bán đấu giá là xã Hương Phong.

Tuy  nhiên UBND thị xã Hương Trà lại tổ chức theo quy trình ngược, nghĩa là bán đất xong mới đầu tư nhỏ giọt về hạ tầng; thậm chí đầu tư qua loa chiếu lệ “cho có”, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của một khu quy hoạch dân cư mới. Điều này trái với quy định của UBND tỉnh TT-Huế. Cụ thể là tại Văn bản số 4271/UBND-NĐ ngày 1/7/2019, UBND tỉnh TT-Huế đã có yêu cầu các địa phương, đơn vị có liên quan chỉ trình hồ sơ xác định giá đất cụ thể để đấu giá quyền sử dụng đất ở, với điều kiện khi đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng điện, nước, thoát nước, đường nhựa, vỉa hè...

Vào ngày 4/6/2021, UBND thị xã Hương Trà đã phối hợp với một công ty bán đấu giá tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 41 lô đất tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (nay thuộc TP Huế), với tổng diện tích 8.123m2.

Nhiều ý kiến cho rằng, UBND thị xã Hương Trà tổ chức bán đấu giá hàng loạt lô đất ở tại nhiều địa phương thuộc diện chờ sáp nhập vào TP Huế khi chưa hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật là nhằm mục đích “chạy” thời điểm các phường, xã trở thành một phần địa giới hành chính của TP Huế, cụ thể là kể từ ngày 1/7/2021.

Tại khu quy hoạch dân cư thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong), sau gần 1 năm bán đấu giá cho dân vào đầu tháng 6/2021, nơi này hiện vẫn là một vùng hồ nước sâu và bãi đất hoang thấp trũng được người dân tận dụng chăn nuôi gia cầm, gia súc. Việc đầu tư mặt nền, hệ thống nước sinh hoạt, thoát nước, đường nhựa, vỉa hè... vẫn chưa được triển khai.

leftcenterrightdel
 Những chuồng nuôi vịt được dựng tạm trong khu quy hoạch đất ở bán đấu giá.

UBND xã Hương Phong cho biết, sau khi nhận tiền do UBND thị xã Hương Trà trích lại từ bán đất ở thôn Thuận Hòa với trị giá khoảng 20 tỷ đồng (40%), cơ quan này đã dùng để trả những khoản nợ cũ tồn đọng và làm đường ở những thôn khác.

 “Việc tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn chỉnh hạ tầng như vậy là chưa bảo đảm quy định, thậm chí việc phân lô vội cũng nảy sinh một số vấn đề bất cập về giao thông nội bộ, thoát nước mặt cần điều chỉnh về lâu dài, nhưng thời điểm đó, chúng tôi là đơn vị cấp dưới nên phải tuân thủ thôi”, một lãnh đạo UBND xã Hương Phong cho hay.

Tại vùng đất được “gắn mác” là khu quy hoạch đất ở do UBND thị xã Hương Trà tổ chức bán đấu giá, qua gần 1 năm, UBND xã Hương Phong chỉ mới đầu tư vài trăm triệu đồng để làm một con đường đất đỏ có mặt cắt nhỏ luôn trong cảnh lầy lội, kèm theo hệ thống cột điện, đường dây nhưng vẫn chưa thể đấu nối vào trạm biến áp.

Nhiều người dân trúng đấu giá các lô đất tại xã Hương Phong phản ánh: “Dân đấu trúng quyền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ đã gần 1 năm, nhưng chưa thể làm nhà. Việc mua bán, chuyển nhượng cũng gặp bất lợi do khu đất chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Có một vài người trúng đấu giá đã chấp nhận bỏ cọc. Ngày đấu giá, phía chính quyền địa phương từng hứa sẽ sớm hoàn thành hạ tầng cho người dân, nhưng gần cả năm nay trôi qua vẫn chưa thấy làm gì”.

Ông Trần Viết Chức - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, thừa nhận, theo quy định của UBND tỉnh, trước khi tổ chức bán đấu giá đất ở khu quy hoạch dân cư, địa phương phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên địa phương đã tổ chức đấu giá đất trước, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật sau.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hương Phong, đến nay, tại khu quy hoạch đấu giá đất ở thôn Thuận Hòa đã có 3 lô bỏ cọc.

Chính quyền xã đã báo cáo UBND TP Huế xin làm lại quy trình, phương án để tái tổ chức bán đấu giá 3 lô đất kể trên. Sau đó, UBND xã Hương Phong sẽ đề xuất xin được trích lại số tiền thu từ những lô đất bán đấu giá để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch dân cư thôn Thuận Hòa.

NV

Nguồn
Link bài gốc