Điều đáng quan tâm là cũng có việc các cơ quan chức năng của địa phương này đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, đình chỉ hoạt động, nhưng rồi ngay sau đó các trạm trộn bê tông không phép vẫn vô tư hoạt động hết công suất.

Không hiểu do bất lực hay vì lý do nào khác mà các cơ quan quản lý nhà nước ở đây lại để các trạm trộn bê tông không phép ngày lại mọc lên nhiều hơn, khiến cho người dân ở gần những trạm trộn bê tông này cảm thấy lo lắng, bất an và bức xúc.

1tram-tron-be-tong-khong-phep-phot-lo-co-quan-chuc-nang-1628589584.jpg

Trạm trộn bê tông được xây dựng khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý của Công ty CP xây dựng Minh Anh (tại TT. Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), đã bị Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Bình Xuyên lập biên bản yêu cầu dừng thi công từ ngày 21/6/2021.

2tram-tron-be-tong-khong-phep-phot-lo-co-quan-chuc-nang-1628589584.jpg

Trạm trộn bê tông của Công ty bê tông Phúc Thành (tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), xây dựng trái phép trên đất của Nông trường Tam Đảo. Vào ngày 13/12/2019, UBND xã Thiện Kế đã ra thông báo số 48 yêu cầu công ty này di dời, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên khu đất này nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.

3tram-tron-be-tong-khong-phep-phot-lo-co-quan-chuc-nang-1628589584.jpg

Trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Tuổi trẻ Bình Nguyên (tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), xây dựng trái phép trên đất của Nông trường Tam Đảo. Vào ngày 13/12/2019, UBND xã Thiện Kế đã ra thông báo số 48 yêu cầu công ty này di dời, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên khu đất này nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì hiện nay trên địa bàn tỉnh này có tới vài chục trạm trộn bê tông đang hoạt động, trong đó có tới một nửa là trạm trộn không có giấy phép, không có kế hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng trên đất rừng, đất nông nghiệp; trong đó phải kể đến các điểm trộn bê tông tại huyện Tam Dương (bê tông Vĩnh Phúc, bê tông Việt Nhật…); huyện Bình Xuyên (bê tông Phúc Thành, bê tông Tuổi trẻ Bình Nguyên…).

Điển hình là Trạm trộn bê tông tươi của Công ty cổ phần bê tông Vĩnh Phúc trên đất xã Thanh Vân (huyện Tam Dương) tuy không phép nhưng hoạt động rất quy mô và bề thế.

Được biết, hiện tại vị trí xây dựng trạm trộn của Công ty cổ phần bê tông Vĩnh Phúc nằm trên thửa đất 274 tờ 15 trên bản đồ (VN200) có diện tích 7.000m2 của ông Nguyễn Duy Mạnh, trú tại Khu 1, Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Thửa đất này được ông Nguyễn Duy Mạnh mua lại năm 2019, khi mua thì hiện trạng của khu đất đã có 1 căn nhà cấp 4 và 1 dãy chuồng gà, sau khi mua xong ông Nguyễn Duy Mạnh cho máy múc vào san gặt và chở đất đi bán cho các công trình lân cận và đã bị UBND xã Thanh Vân lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản ngày 26/11/2019.

4tram-tron-be-tong-khong-phep-phot-lo-co-quan-chuc-nang-1628589583.jpg

Trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần bê tông Vĩnh Phúc (tại xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất nhưng đến nay vẫn hoạt động rất quy mô và bề thế.

Không dừng lại ở đó, sau khi bị lập biên bản, ông Nguyễn Duy Mạnh vẫn cố tình xây dựng công trình và ngày 12/12/2019 lại bị UBND xã Thanh Vân lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực sử dụng đất đai, yêu cầu ông Nguyễn Duy Mạnh chấm dứt hành vi vi phạm và trả lại hiện trạng đất ban đầu.

Bất chấp các quy định của pháp luật, trạm bê tông vẫn được xây dựng một cách bề thế trên khu đất này. Từ khu đất là vốn rừng sản xuất đến tay ông Nguyễn Duy Mạnh lại trở thành nhà máy sản xuất bê tông tươi cung cấp cho hàng loạt các công trình nhà nước có, dân sinh có.

Một trường hợp vi phạm trên đất rừng khác cũng tại địa bàn huyện Tam Dương là Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật.

5tram-tron-be-tong-khong-phep-phot-lo-co-quan-chuc-nang-1628589584.jpg

Trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật (tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất.

Công ty này đã thuê 12.000 m2 đất lâm nghiệp của ông Nguyễn Trung Hiều tại thôn Quế, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương để lắp đặt trạm trộn bê tông.

Ngày 12/12/2017, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã có văn bản số 4511/SXD-QHKT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật về việc không chấp thuận vị trí, địa điểm nêu trên, do cùng địa điểm nằm trong phạm vi dự án Khu công nghiệp Tam Dương I – Khu vực 3 và không phù hợp với tính chất dự án lắp đặt trạm trộn bê tông.

Bất chấp ý kiến của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật vẫn lắp đặt trạm trộn bêtông trái phép trên đất lâm nghiệp.

"Dù doanh nghiệp sai phạm rõ mười mươi, chính quyền sở tại không có động thái quyết liệt xử lý dứt điểm khiến doanh nghiệp này nhờn luật", một người dân thôn Quế (xã Hướng Đạo) bức xúc nói.

Cụ thể, ngày 28/3/2018 UBND huyện Tam Dương có Quyết định xử phạt hành chính, Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật đã tổ chức thi công xây dựng trạm trộn bê tông và một số công trình xây dựng khác trên đất rừng sản xuất. (Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật thuê của ông Nguyễn Trung Hiều theo hợp đồng số 01/6CT ngày 16/2017.)

Công trình xây dựng của Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê tông Việt Nhật tại thửa đất nêu trên không có giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp. Hình thức xử phạt cụ thể 40.000.000 triệu đồng.

Từ những hành vi sử dụng đất sai mục đích và xây dựng trái phép nói trên của các trạm trộn bê tông, đề nghị các cấp, các ngành cần xử lý nghiêm, có như vậy mới tạo sức răn đe...

Bởi, theo quy định pháp luật, các vi phạm về đất đai nói chung và vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất khi không được phép, hủy hoại, biến dạng mặt bằng của đất để lắp đặt các trạm trộn bê tông nói riêng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật đất đai và bị nghiêm cấm. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan có trách nhiệm thuộc tỉnh có đủ thẩm quyền để xử lý các vi phạm này.

Thiết nghĩ, để xử lý triệt để và xóa sổ tình trạng các trạm trộn bê tông hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay rất mong sự chỉ đạo triệt để của lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thuộc tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về quy hoạch, quản lý xây dựng, sử dụng đất đai; quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, đồng thời đảm bảo tốt nhất cho việc bảo vệ môi trường cũng như môi trường sống của người dân.

Nhóm PV
Nguồn Pháp luật và Cuộc sống
Link bài gốc

https://phapluatvacuocsong.vn/vinh-phuc-tram-tron-be-tong-khong-phep-phot-lo-co-quan-chuc-nang-a45517.html