Có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT khuyến nghị các trường mà các em đăng ký NV1 tăng chỉ tiêu để tuyển thêm các em. Điều này hơi khó, nhất là đối với các trường thuộc quân đội và công an, vốn đào tạo miễn phí và sẽ phân công công tác khi ra trường.
Có ý kiến đề nghị các trường khuyến nghị các em đăng ký bổ sung NV2, NV3 để tuyển các em theo các nguyện vọng này. Thế nhưng giải pháp này cũng khó vì có thể vì phạm quy chế tuyển sinh đã quy định trước, hoặc có thể sẽ gặp lực cản vì biết đâu có khi chính các em từ chối vì chưa hẳn đã muốn.
Có lẽ với tư cách là người trong cuộc, theo chúng tôi, các em cần chủ động tìm phương hướng, giải pháp; còn các trường đại học sẵn lòng tìm cách hỗ trợ, bổ sung cách tuyển sinh hợp lệ thì hẳn nhiều em có niềm vui mới.
Tổng kết đánh giá một cách toàn diện kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Đã có ý kiến đề nghị thay đổi kỳ thi tốt nghiệp nhân chuyện 61 em trượt NV1, trượt đại học như trên. Tuy nhiên, theo chúng tôi đặt vấn đề này ra ở thời điểm này chưa có những cơ sở chắc chắn.
Muốn thay đổi một kỳ thi tiện lợi cho số đông, khoa học, công bằng cho học sinh như kỳ thi này, cần phải có những tổng kết, hội thảo về những ưu điểm, hạn chế của Kỳ thi trong mấy năm gần đây. Từ đó, Bộ GD&ĐT mới có những cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất Chính phủ quyết định.
Lại có ý kiến cực đoan hơn cho rằng nên bỏ nốt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mấy năm gần đây đạt gần 100% nên việc tổ chức ký thi này không còn ý nghĩa nữa.
Thực ra, ý kiến này cũng khó thực hiện. Bởi học mà không thi tốt nghiệp, chỉ xét qua học bạ thôi thì với cách học đối phó và thói quen “chạy trường”, “chạy điểm” như hiện nay, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra? Xã hội kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập, rèn luyện của thế hệ công dân mới bước vào đời bằng cách nào? Liệu rồi, lớp công dân mới ấy có đủ đức, đủ tài, đủ kỹ năng sống để bước vào cuộc sống hay không?
Trong khi đó, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì đương nhiên cần phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đại học nữa thay thế. Vậy thì đề thi chung của Bộ GD&ĐT hay đề thi do các trường đại học tự chủ tuyển sinh? Và như thế, biết đâu, xã hội lại quay về cảnh hàng trăm vạn gia đình, cả nước lao vào vòng quay tuyển sinh của cái thời “khăn gói quả mướp”, dùng “xe cứu thương” để thay đổi nguyện vọng, gây nên những tốn kém và hại sức dân một cách khủng khiếp.
Chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT trước mắt cần có tổng kết đánh giá một cách toàn diện kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2020-2021 và công tác tuyển sinh đại học năm nay; trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh hoặc để xuất Chính phủ chỉ đạo theo “tinh thần học thật, thi thật”.
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái