|
|
Bộ GD-ĐT sắp ban hành "nội dung dạy học cốt lõi", ứng với tình hình dịch bệnh |
Đảm bảo phù hợp với tình hình dịch bệnh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa chia sẻ với báo chí về những khó khăn, thử thách; trong đó có cả những khó khăn đã thấy, đã biết và cả những khó khăn, thử thách sẽ còn diễn ra và bộc lộ khi những ngày học đầu tiên, tháng đầu tiên của năm học mới.
Chính vì vậy, ông Sơn khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi từng ngày tình hình dịch bệnh tại các địa phương và "ra các chỉ đạo xử lý mang tính phi truyền thống". Trong một vài ngày tới, Bộ sẽ ban hành các nội dung học tập cốt lõi, có sự điều chỉnh, để thầy và trò dựa theo đó triển khai, ứng phó với tình hình mới.
Các tỉnh, thành cùng T.Ư đang thống kê tới tận từng trường hợp khó khăn không thể học trực tuyến và sẽ có giải pháp cho từng việc. Sẽ có hàng loạt biện pháp hỗ trợ và “bọc lót” cho nhau.
Những ngày học sinh được tới trường học trực tiếp, các thầy cô sẽ phải dành thời gian củng cố, rà soát kiến thức, bồi dưỡng theo nhóm cho các đối tượng không thể học trực tuyến...
Xung quanh việc giảm tải nội dung chương trình để ứng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể kéo dài thời gian học sinh không thể tới trường, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết năm 2020, Bộ GD-ĐT đã có công văn 3280 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS và THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Cùng với việc giảm tải nội dung, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là "không dạy, không thực hiện...".
Ông Thành khẳng định: “Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, cốt lõi, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu".
Tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD-ĐT đã có văn bản về dạy học trực tuyến và trên truyền hình; tới đây sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay.
"Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài qua Zalo, thư điện tử, nhắn tin…, khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài, đã đọc sách giáo khoa từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tập trung vào trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, trong tuần này hoặc tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ gửi tài liệu biên soạn đến các thầy cô để lan tỏa, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, để học sinh có thể tự chủ hơn trong giờ học.
Ông Thành mới đây cũng đã trực tiếp "đứng lớp" dạy một số tiết học môn vật lý theo hình thức trực tuyến với học sinh lớp 6 ở một trường học tại Hà Nội với tinh thần như ông trao đổi ở trên. Sau đó, giáo viên của trường đã trao đổi, rút kinh nghiệm và học hỏi phương pháp dạy học mới từ giờ học cụ thể này.
Đa số giáo viên đều nhận định, cách làm này dễ vận dụng, hiệu quả đạt được sau bài học cao hơn vì học sinh được tự tìm hiểu, tự vận dụng, được trao đổi và giải đáp những băn khoăn, thắc mắc thay vì chỉ nghe giáo viên giảng một chiều. Nhờ đó, giờ học không nặng nề, nhàm chán dù học sinh không được học trực tiếp, thầy cô cũng không phải làm việc trước màn hình máy tính quá nhiều.
Tuệ Nguyễn