leftcenterrightdel
 

Phải chăng đang phớt lờ quy chế đào tạo?

Theo phản ánh của tập thể CBCNVC, lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục đã có nhiều chỉ đạo và thực hiện việc mở các lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục ngoài bên ngoài học viện. Hàng năm, các lớp học thạc sĩ bên ngoài cơ sở vẫn liên tiếp được tuyển sinh và khai giảng.

Cụ thể như trong năm học 2020 - 2021, Ban Giám đốc học viện đã mở các lớp như: Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K21 học tại Học viện Nông Ngiệp với 17 học viên; Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K21 học tại Hải Phòng với 32 học viên; Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-1 học tại Hải Dương với 54 học viên; Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-3 học tại Thuận Thành (Bắc Ninh) với 23 Học Viên; Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-4 học tại Hải Phòng với 28 học viên.

Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, sau khi Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ Giáo dục và đào tạo được ban hành và có hiệu lực, Ban Giám đốc Học viện vẫn tiếp tục tuyển sinh và tiến hành mở các lớp đào tạo chương trình thạc sĩ ngoài học viện.

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại Thanh Oai (Hà Nội), Học viện Quản lý giáo dục đã mở lớp đào tạo thạc sĩ K24-2 chuyên ngành đào tạo Quản lý giáo dục với 38 học viên theo học.

Một giảng viên của Học viện Quản lý giáo dục cho biết, việc lãnh đạo nhà trường bất chấp quy định để tuyển sinh và mở các lớp đào tạo ngoài học viện như vậy khiến chất lượng đào tạo không được đảm bảo bởi lẽ năng lực từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giảng viên không thể đáp ứng.

Theo quy định hiện hành, cụ thể căn cứ theo Điều 37 Luật Giáo dục đại học và Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ thì địa điểm đào tạo thạc sĩ phải tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo. Như vậy, phải chăng việc lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục vẫn tiến hành tuyển sinh và đào tạo chương trình thạc sĩ ngoài học viện là đang cố tình phớt lờ quy định và quy chế của Bộ GDĐT?

Nhiều khoản thu, chi không hợp lý

Cũng theo phản ánh của một số cán bộ tại phòng Đào tạo sau đại học - Học viện Quản lý giáo dục, để tăng thêm nguồn thu, lãnh đạo Học viên yêu cầu các giảng viên chủ nhiệm phụ trách lớp của phòng Đào tạo sau đại học thông báo tới các học viên phải mua cuốn “Sổ tay học tập” với giá 100.000đ/cuốn.

leftcenterrightdel
 Cuốn “Sổ tay học tập” với giá 100.000đ/cuốn được nhà trường yêu cầu học viên phải mua.


Ngoài việc phải mua “Sổ tay học tập”, nhiều Học viên Cao học sau khi tốt nghiệp, để được nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp còn phải bỏ thêm 50.000đ nữa.

Tuy nhiên, việc nộp phí để mua sách, hay nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp lại không được nhà trường lập biên lai. Nhiều học viên đã có thắc mắc về việc thu phí mà không lập biên lai, việc thu phí không rõ ràng gửi tới Ban Giám đốc học viện để được giải đáp, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng từ phía lãnh đạo nhà trường.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ tại Đào tạo sau đại học cho biết: “Rất nhiều học viên chương trình thạc sĩ thắc mắc, nhưng giảng viên chủ nhiệm lớp như chúng tôi cũng không biết trả lời như thế nào cho hợp lí với học viên. Chỉ biết chờ phía lãnh đạo nhà trường giải quyết.”

Cũng theo cán bộ này, sau khi nhiều học viên có thắc mắc, Hội đồng nhà trường cũng nắm bắt được sự việc, nhận định việc thu phí như vậy là không đúng, yêu cầu Ban Giám đốc Học viện phải giải quyết theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay số tiền thu từ nhiều học viên của các khóa học trước đây vẫn chưa được Ban Giám đốc nhà trường xử lý hay trả lại cho học viên.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

 

Với nhiều bất cập hiện nay tại Học viện Quản lý giáo dục, tập thể cán bộ, nhân viên, viên chức Học viện đã gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo để yêu cầu được làm rõ những sai phạm của Giám đốc học viện và một số lãnh đạo khác của học viện.

Được biết, ngày 24/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi tiếp nhận đơn của tập thể cán bộ, nhân viên, viên chức Học viện đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-BGDĐT về việc thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục.

Theo quyết định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản và nhiều nội dung khác với thời gian thanh tra là 45 ngày.

Trước việc tiến hành thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập thể cán bộ, nhân viên, viên chức Học viện hy vọng Đoàn thanh tra sẽ xem xét kỹ lượng, tiến hành kiểm tra một cách nghiêm túc, qua đó xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.


Sinh Nguyễn

Bài 1: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục

Nguồn Báo Pháp luật Việt Nam
Link bài gốc

https://baophapluat.vn/dau-hieu-sai-pham-tai-hoc-vien-quan-ly-giao-duc-bai-2-mo-nhieu-lop-dao-tao-thac-si-trai-quy-dinh-post416926.html