leftcenterrightdel
 PGS.TS Trần Hữu Hoan trong buổi tiếp phóng viên tại phòng làm việc tại Học viện Quản lý giáo dục.

Thông báo một đường tuyển sinh một nẻo

Chị Hoàng Thị Quỳnh Lan và Đỗ Thị Tuyết Lan là những giáo viên đã có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại các trường THCS. Vì mong muốn nâng cao trình độ, mở mang thêm kiến thức vừa rồi 2 chị đã làm hồ sơ để đăng ký thi tuyển lớp cao học tại trường Học viện Quản lý giáo dục ngành Quản lý giáo dục.

Để chuẩn bị cho kỳ thi được tốt, nhiều thí sinh đã tham gia ôn luyện thi thạc sĩ Quản lý giáo dục, mỗi thí sinh phải đóng gần 6 triệu đồng chưa kể tiền đi lại, ăn ở, nghỉ phép thậm chí xét nghiệm COVID-19... Mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, vậy nhưng niềm mơ ước được học lên để mở mang kiến thức của nhiều thí sinh phải tạm dừng vì cách tuyển sinh trái khoáy của Học viện Quản lý giáo dục, đơn vị tuyển sinh gây ra.

Theo chị Tuyết Lan, thông báo tuyển sinh năm 2021 ngày 9/10/2020 của trường Học viện Quản lý giáo dục thì chỉ tiêu ngành Quản lý giáo dục là 250 chỉ tiêu. Nhưng bất ngờ đến ngày 14/10/2021, sau khi đã tổ chức thi tuyển xong, Học viện Quản lý giáo dục lại có thông báo chỉ tiêu tụt xuống còn 89 chỉ tiêu.

Ngạc nhiên trước việc thay đổi chỉ tiêu một cách đột ngột, nhiều thí sinh tham dự kỳ thi đã liên hệ nhà trường để làm rõ sự việc. Thế nhưng, các thí sinh lại càng bất ngờ hơn, khi được nhà trường thông báo, lý do giảm chỉ tiêu là do ngày 26/8/2021 thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-XPHC xử phạt hành chính nhà trường với biện pháp khắc phục hậu quả là giảm số lượng tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ. Tổng chỉ tiêu cả Học viện được phép tuyển sinh là 89 chỉ tiêu.

Bức xúc trước thông báo trả lời của lãnh đạo Học viện, cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Lan cho biết: “Thay đổi đột ngột khác gì đánh lừa, thông báo 1 đường tuyển sinh 1 nẻo… Nếu biết chỉ tiêu thấp chúng tôi không thi”.

Với lý do trên của nhà trường, gần 200 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ đều cho rằng như vậy là hết sức vô lý. Việc nhà trường đã bị xử phạt từ tháng 8 và chỉ được phép tuyển sinh 89 chỉ tiêu cho năm học 2021 thế nhưng lại không ra thông báo cho các thí sinh mà vẫn tổ chức thi tuyển (ngày 9 - 10 tháng 10/2021) là điều khó có thể chấp nhận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các thí sinh.

Cô giáo Tuyết Lan cho biết: “Vì tin thông báo tuyển sinh của Học viện với chỉ tiêu tuyển sinh cao, khả năng đỗ và theo học tại đây là lớn, thế nên đã từ bỏ kỳ thi khác của trường khác, thế nên năm nay tôi bị lỡ kế hoạch học. Như vậy tôi bị thiệt thòi vô cùng lớn. Cảm giác như bị Học viện Quản lý giáo dục lừa vậy”.

Phớt lờ quy chế đào tạo?

Cũng theo phản ánh của tập thể CBCNVC, căn cứ Quyết định số 106/QĐ-HVQLGD về việc phân công công tác của các thành viên Ban Giám đốc Học viện, Phó Giám đốc Trần Hữu Hoan trực tiếp phụ trách lĩnh vực Đào tạo sau đại học.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã có nhiều lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục được mở ngoài bên ngoài học viện. Hàng năm, các lớp học thạc sĩ bên ngoài cơ sở vẫn liên tiếp được tuyển sinh và khai giảng.

Cụ thể, Học viện Quản lý giáo dục đã mở các lớp như: Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K21 học tại Học viện Nông Ngiệp với 17 học viên; Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K21 học tại Hải Phòng với 32 học viên;

Trong năm học 2020 - 2021, nhiều lớp cũng được mở như: Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-1 học tại Hải Dương với 54 học viên; Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-3 học tại Thuận Thành (Bắc Ninh) với 23 Học Viên; Lớp Đào tạo thạc sỹ Quản lý Giáo dục K23-4 học tại Hải Phòng với 28 học viên.

Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, sau khi Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT quy định về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ Giáo dục và đào tạo được ban hành và có hiệu lực, Học viện vẫn tiếp tục tuyển sinh và tiến hành mở các lớp đào tạo chương trình thạc sĩ ngoài học viện. Qua tìm hiểu của phóng viên, tại Thanh Oai (Hà Nội), Học viện Quản lý giáo dục đã mở lớp đào tạo thạc sĩ K24-2 chuyên ngành đào tạo Quản lý giáo dục với 38 học viên theo học.

Mặc dù theo quy định tại Thông tư này, địa điểm đào tạo thạc sĩ phải tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo. Cùng với đó, theo Điều 23 - Quy định Đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện Quản lý giáo dục ban hành ngày 9/12/2019 thì “ Địa điểm đào tạo trình độ thạc sĩ là trụ sở của Học viện Quản lý giáo dục được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện thực tế đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định trước khi cho phép mở ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ.”

Một giảng viên của Học viện Quản lý giáo dục cho biết, việc lãnh đạo nhà trường bất chấp quy định để tuyển sinh và mở các lớp đào tạo ngoài học viện như vậy khiến chất lượng đào tạo không được đảm bảo bởi lẽ năng lực từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giảng viên không thể đáp ứng.

Cũng theo các giảng viên, họ đã nhiều lần góp ý với ban lãnh đạo nhà trường về việc buông lỏng đào tạo chất lượng Thạc sĩ, nhưng không hiểu vì lý do gì những người lời góp ý đó đều được cho là thiếu tinh thần xây dựng và những giảng viên góp ý lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình công tác.

Như vậy, phải chăng việc lãnh đạo Học viện Quản lý giáo dục mà trực tiếp phụ trách lĩnh vực này là Phó Giám đốc Trần Hữu Hoan vẫn tiến hành tuyển sinh và đào tạo chương trình thạc sĩ ngoài học viện là đang cố tình phớt lờ quy định và quy chế của Bộ GD&ĐT?

Sinh Nguyễn
Nguồn Báo Pháp luật Việt Nam
Link bài gốc

https://baophapluat.vn/dau-hieu-sai-pham-tai-hoc-vien-quan-ly-giao-duc-bai-3-nhieu-khuat-tat-trong-viec-tuyen-sinh-dao-tao-thac-si-post419183.html