Thi đánh giá năng lực là một kỳ thi có bài thi (môn thi) tổng hợp thường gồm các câu hỏi để kiểm tra trình độ ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; và giải quyết vấn đề. Mục đích của việc tham gia kỳ thi này là để xét tuyển đại học, đánh giá năng lực của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; Định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân; Kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng, thái độ của người học…

leftcenterrightdel
 

Năm 2022, kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục được sử dụng bởi nhiều trường đại học trên cả nước. Một số trường đại học khác cũng lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển thí sinh.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc 1 tuần tại 4 địa điểm gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ và Nghệ An.

Năm 2022, bài thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội có thời lượng tối đa 270 phút, gồm 3 phần: phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn Khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Thí sinh có thể chọn 1 hoặc cả 2 phần tự chọn nếu muốn đăng ký xét tuyển với nhiều tổ hợp khác nhau.

Hiện nay có 8 trường đại học công bố sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Thuỷ lợi, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Một điểm cần lưu ý là kỳ thi đánh giá tư duy năm 2020 chỉ sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy và hai môn tự nhiên tạo thành một tổ hợp xét tuyển, còn trong năm 2022, kết quả bài thi đánh giá tư duy được dùng riêng và tăng chỉ tiêu lên rất mạnh: chiếm đến 60 - 70% trong tổng số 7500 chỉ tiêu.

Đại học Quốc gia Hà Nội

ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức khoảng 16 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2022. 5 đợt thi diễn ra từ cuối tháng 2 đến tháng 4 được tổ chức tại 6 tỉnh, thành là: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá. Đợt thi đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28-2 với khoảng 2.000 thí sinh tại hai địa điểm là Hà Nội và Thái Nguyên.

11 đợt thi còn lại dự kiến diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 được tổ chức ở Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM. Lịch thi cụ thể sẽ được thông báo trước 30-3, tuỳ theo diễn biến phòng, chống dịch.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh, nhiều gấp 7-9 lần năm ngoái.

Đề thi gồm 150 câu, chia làm ba phần: Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Ngoài ra, đề thi có thể bao gồm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, thí sinh sẽ có thêm khoảng 4 phút để làm.

Hiện đã có 4 đại học và 31 trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển.

Đại học Quốc gia TP HCM

Kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM luôn là một trong những kì thi được đông đảo học sinh quan tâm, tìm hiểu và đăng ký dự thi bởi đây là một trong những tiêu chí xét tuyển đại học của nhiều trường Đại học thuộc khu vực miền Nam.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia TP HCM được tổ chức 2 đợt vào các ngày 27-3 và ngày 22-5. Đợt 1 được tổ chức vào ngày 27-3, tại 17 tỉnh, thành gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Kết quả thi đợt 1 được công bố vào ngày 5-4-2022.

Đợt 2 dự kiến tổ chức vào ngày 22-5, trước kỳ thi THPT khoảng 1 tháng, tại các địa điểm: Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, An Giang. Kết quả đợt thi thứ 2 sẽ được công bố 1 tuần sau khi thi.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM năm nay sẽ có 2 đợt đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi. Nếu thí sinh thi cả 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển.

Bài thi ĐGNL tại ĐHQG-HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cấu trúc đề thi có 3 phần, trong đó phần ngôn ngữ có 20 câu hỏi Tiếng Việt và 20 câu hỏi Tiếng Anh; Phần Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu có 30 câu hỏi, phần giải quyết vấn đề có 50 câu.

Dự kiến năm nay khoảng 80 trường đại học và cao đẳng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP HCM.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Năm 2022 là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý với các thí sinh thoả mãn điều kiện xét tuyển.

Bài thi Toán học có thời gian làm bài 90 phút, bao gồm 31 câu hỏi (28 câu trắc nghiệm, 3 câu tự luận). Các bài thi Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý có thời gian làm bài 60 phút, gồm 29 - 30 câu hỏi (28 câu trắc nghiệm, còn lại là tự luận). Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn diễn ra trong 90 phút, gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm và 2 câu liên quan đến bài văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học.

Thời gian thi dự kiến ngày 7-5, thí sinh đăng ký nộp hồ sơ từ ngày 1-3 đến 1-4. Kết quả được công bố trước ngày 25-5.

Trường Đại học Sư phạm TP HCM

Năm 2022  là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Kỳ thi dự kiến được tổ chức 2 đợt vào tháng 4 và 6 nhưng diễn ra ở nhiều địa phương.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các thí sinh thông qua 6 bài thi, cụ thể gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, tiếng Anh. Trong đó, bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học có thời gian làm bài 90 phút gồm 50 câu hỏi (35 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn).

Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt Ngữ văn diễn ra trong 90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ. Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt tiếng Anh diễn ra trong 180 phút, gồm 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 - 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam.

Kỳ thi đánh giá năng lực ngành Công an

Ngoài xét tuyển thẳng và xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, năm 2022, các học viện, trường công an sẽ xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT với bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an.

Đây là lần đầu tiên Bộ Công an tổ chức bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào 8 trường, học viện trong khối ngành công an bên cạnh các phương thức xét tuyển khác. 8 trường công an tuyển sinh đại học chính quy gồm: Học viện Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Chính trị Công an nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Phòng cháy chữa cháy, Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân và Học viện Quốc tế.

Bài thi đánh giá năng lực xét tuyển vào khối trường công an ngoài việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong chương trình phổ thông, sẽ có các nội dung mới kiểm tra về tư duy logic, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống,… gắn với yêu cầu đào tạo đặc thù của trường công an.

Bài thi đánh giá năng lực khối trường công an gồm 2 phần: trắc nghiệm và tự luận. Dự kiến, thí sinh làm bài thi trong 1 buổi, diễn ra ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phần trắc nghiệm gắn với kiến thức THPT theo tổ hợp xét tuyển mà thí sinh đăng ký và một phần trắc nghiệm sẽ kiểm tra về những năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành công an. Phần tự luận là phần kiểm tra kiến thức môn Ngữ Văn, Toán. Thí sinh có thể chọn một trong hai lĩnh vực này.

Dự kiến trong tháng 3 hoặc 4, Bộ Công an sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường và bài thi mẫu để thí sinh tham khảo.

Trường ĐH Việt Đức

Trường ĐH Việt Đức sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực TestAS. Bài thi TestAS bao gồm 2 bài thi thành phần: bài thi kiến thức cơ bản (Core Test) và bài thi kiến thức khối chuyên ngành (Subject - Specific Test). Bài thi kiến thức cơ bản áp dụng cho tất cả các ngành.

Bài thi khối kiến thức chuyên ngành phân biệt theo ngành như sau: Đối với ngành Khoa học máy tính là nài thi về Toán học, Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên; Đối với các ngành Kỹ thuật điện và máy tính, Kỹ thuật cơ khí, Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật môi trường là bài thi về Kỹ thuật.

Đối với các ngành Tài chính - Kế toán và Quản trị kinh doanh là bài thi về Kinh tế. Bài thi kiến thức khối chuyên ngành chỉ có giá trị xét tuyển vào các ngành đào tạo tương ứng. Bài thi tiếng Anh "onSet" (40 phút áp dụng đối với thí sinh chưa thỏa mãn các yêu cầu khác về tiếng Anh đầu vào.

Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực TestAS đến ngày 2-5. Thời điểm thi diễn ra vào ngày 14 và 15-5.

T.B

Nguồn
Link bài gốc