leftcenterrightdel
 Sundaresan’s Dreamverse - một trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số công cộng với các tác phẩm và nghệ sỹ NFT, đã được tổ chức tại Manhattan vào đầu tháng 11.

Vị khách này và nhiều nhân vật khác đang tích góp vào NFT giống như cách mà các tỷ phú trong quá khứ đã chi tiêu sự giàu có của họ cho các kiệt tác của Picasso và Monet.

Đây là lần đầu tiên một nhà đấu giá lớn bán đấu giá thành công một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số dưới dạng tài sản tiền điện tử mới được gọi là mã thông báo không thể thay thế (NFT), một chứng chỉ kỹ thuật số về quyền sở hữu. Việc mua bán đã làm rung chuyển giới nghệ thuật và tiền điện tử.

Đây cũng là tác phẩm nghệ thuật đắt thứ ba từng được bán đấu giá khi nghệ sỹ sáng tạo ra tác phẩm vẫn còn sống. Vị khách trên là Vignesh Sundaresan, hay còn gọi là MetaKovan (“vua Meta”), chính là người đã tích lũy được một bộ sưu tập nghệ thuật kỹ thuật số trị giá hàng chục triệu USD.

Sức hấp dẫn của nghệ thuật kỹ thuật số

Sundaresan đã chi tiêu ảo trên thị trường NFT mới nổi một cách mạnh tay. Vào năm 2019, anh đã trả 112.000 USD cho một bản đại diện kỹ thuật số của chiếc xe Công thức 1 nạm kim cương từ một trò chơi đua xe trực tuyến, chiếc NFT đắt nhất năm đó. Anh đã giành được hàng trăm mẫu đất kỹ thuật số trong thế giới trực tuyến để xây dựng một đế chế bất động sản ảo.

Vào đầu năm 2020, Sundaresan đã có một danh tính trực tuyến mới: MetaKovan. Với tư cách là MetaKovan, Sundaresan bắt đầu tích lũy một kho nghệ thuật kỹ thuật số, bao gồm một tác phẩm có tên “Sự chiêm ngưỡng (của sự sáng tạo)”, một bức chân dung của một vị thần hiển nhiên, mà anh dùng để đại diện cho danh tính mới của mình.

Vào giữa năm 2020, vẫn với tư cách là MetaKovan, anh tiết lộ xây dựng quỹ có tên là Metapurse để đầu tư vào NFT. “NFT là phương tiện hoàn hảo cho tiền điện tử”, MetaKovan viết trên Twitter. Anh không tiết lộ quy mô của Metapurse mà anh cho biết chỉ do một mình anh tài trợ.

Tại một loạt các cuộc đấu giá NFT vào tháng 12/2020, quỹ của MetaKovan đã thu được 20 tác phẩm nghệ thuật của Mike Winkelmann, nghệ sỹ kỹ thuật số người Mỹ được biết đến với cái tên Beeple. Các tác phẩm được trả tổng cộng 2,2 triệu USD ether.

Vào ngày 23/1/2021, MetaKovan đã mở bữa tiệc Metapalooza tại phòng trưng bày nghệ thuật ảo của mình ở Origin City. Những người tham dự có thể mua mã thông báo kỹ thuật số có tên B20 để nhận cổ phần trong bộ sưu tập MetaKovan’s Beeple. Một trang web về các mã thông báo đã mô tả chúng như là “chìa khóa” để “mở khóa tài chính” của các tác phẩm nghệ thuật.

leftcenterrightdel
Tỷ phú tiền điện tử Sundaresan. 

Metapurse đã phát hành 10 triệu mã thông báo B20, với 25% được phân bổ để bán công khai, có giá ban đầu là 36 xu mỗi mã. Metapurse nhận thanh toán bằng DAI, một loại tiền điện tử được gắn với đồng USD.

Sau đó, vào giữa tháng 2, nhà đấu giá Christie’s thông báo bán đấu giá tác phẩm của Beeple “Everydays: The First 5000 Days” (“Mỗi ngày: 5000 ngày đầu tiên”). Các nhà tiếp thị dự đoán sự công khai giảm giá của chương trình sẽ làm tăng giá của B20. Một trong những nhà tiếp thị, ông Andrew Steinwold, cho rằng tổng giá trị của B20 có thể đạt 200 triệu USD.

Theo công cụ theo dõi tiền điện tử CoinGecko, vào thời điểm diễn ra phiên đấu giá, giá của B20 đã bùng nổ, đạt mức cao nhất là 29 USD cho mỗi mã thông báo trên các sàn giao dịch bao gồm Uniswap. Có điều, sau phiên đấu giá của Christie’s, giá B20 đã giảm xuống.

Dữ liệu do Công ty phân tích blockchain Nansen thu thập cho thấy một số ví điện tử đã giúp thúc đẩy sự cố bằng cách bán B20 trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, ví công khai được gắn nhãn là thuộc về MetaKovan đã không bán tài sản nắm giữ của mình.

Anh Steinwold, người điều hành quỹ đầu tư NFT của riêng mình, nói với Reuters rằng khách hàng của anh nằm trong số những người bán. Khi được hỏi về bản tóm tắt đầu tư trước đó của mình, anh nói rằng bản thân anh bị sốc bởi sự sụp đổ của giá B20. Tuy nhiên, theo anh, B20 cũng là nghệ thuật.

Các nhà đầu tư còn lại với một mã thông báo hiện có giá trị là 1,10 USD, một phần nhỏ so với số tiền mà nhiều người trong số họ đã trả. Trả lời Reuters về sự bất bình của các nhà đầu tư đối với sự sụp đổ của B20, Sundaresan khẳng định, anh không thảo luận về B20 với Christie’s trước cuộc đấu giá, không tập trung vào giá của B20 và không nói với bất kỳ ai để tăng giá trị.

Giá đấu chiến thắng cho tác phẩm “Mỗi ngày: 5000 ngày đầu tiên” của Beeple đã được thanh toán bằng 42.329 ether (hiện là loại tiền điện tử phổ biến nhất sau bitcoin) thông qua sàn giao dịch tiền điện tử Gemini. MetaKovan chỉ được tiết lộ là Sundaresan sau cuộc đấu giá của Christie’s vào tháng 3, bởi nhà báo người Mỹ Amy Castor.

Những người có ảnh hưởng đến tiền điện tử đã tôn vinh Sundaresan là “tỷ phú tiền điện tử”. Và trong một tuyên bố do Christie’s đưa ra, Sundaresan gọi tác phẩm nghệ thuật là “viên ngọc quý” trong danh mục đầu tư của mình.

Trong suốt 6 tháng, Sundaresan không “động” gì đến ví tiền điện tử của mình. Mãi đến đầu tháng 9, Metapurse tiết lộ “sự kiện vật chất đầu tiên” của tác phẩm. Người hâm mộ đã được mời xem tác phẩm Beeple trên một màn hình khổng lồ tại một cuộc triển lãm vào ngày 4/11 ở New York. “NFTs trở nên sống động”, thông báo mời tham dự sự kiện cho biết, chi phí lên đến 2.500 USD/một người!

Đầu tư tiền điện tử - bị lừa đảo hay phải chấp nhận thua lỗ?

Vài năm gần đây, sự quan tâm đến NFT đã tăng dần lên trong “nền văn hóa” tiền điện tử khi người hâm mộ trả một khoản tiền nhỏ cho các nhà thiết kế, nghệ sỹ hoặc bên thứ ba để mua mèo hoạt hình và các nhân vật có pixel. Những người nổi tiếng từ Lionel Messi đến Paris Hilton cũng tung ra NFT để mọi người mua khiến NFT càng thêm bùng nổ.

Trong khi một số nhà quan sát coi NFT như một tài sản đầu cơ, thì những người sùng bái lại coi chúng là nền tảng của kinh tế kỹ thuật số mới và sự phát triển tiếp theo trong lĩnh vực sưu tầm nghệ thuật. Khái niệm rằng Internet sẽ phát triển thành một metaverse - một vũ trụ song song của các không gian ảo - đã trở thành động lực đến mức cuối tháng 10/2021, Facebook đã đổi tên thành “Meta”.

Với Sundaresan, anh chủ yếu mua NFT như một khoản đầu tư. Anh ví việc sở hữu NFT giống như “có chữ ký của nghệ sỹ yêu thích của bạn”.

Trước khi Sundaresan trở nên nổi tiếng trong nửa đầu năm nay, rất ít người biết về anh ấy. Trong một blog sau cuộc đấu giá, anh kể lại con đường làm giàu của mình bắt đầu từ chuyến di cư ở Chennai – một thành phố miền Nam Ấn Độ đến Canada để tìm kiếm thành công dưới chiêu bài MetaKovan. Anh cho biết, việc mua tác phẩm của Beeple là bằng chứng về cách “cân bằng sức mạnh” của tiền điện tử. Vào tháng 6/2021, thậm chí anh còn chia sẻ nói Financial Times rằng việc mua tác phẩm trị giá 69 triệu USD “ít hơn nhiều” so với 10% giá trị tài sản ròng của anh, mà theo anh tiết lộ, gần như hoàn toàn bằng tiền điện tử.

Để tìm hiểu rõ ràng hơn về con đường làm giàu của Sundaresan, Reuters đã nói chuyện với khoảng 40 người từng làm việc hoặc đầu tư với anh và xem xét tài liệu bao gồm hồ sơ công ty và đơn khiếu nại trước đây chưa được báo cáo. Báo cáo cho thấy Sundaresan đã đi một con đường khá khó khăn trong việc tích lũy tài sản của mình, để lại phía sau không ít những khách hàng và nhà đầu tư thất vọng, những người than phiền họ đã mất tổng cộng hàng triệu USD.

Trong 3 cuộc phỏng vấn với Reuters, Sundaresan cho biết anh đã phải đối mặt với một số “thất bại” trong sự nghiệp của mình nhưng phủ nhận mọi hành vi sai trái. “Rất khó để trở thành một doanh nhân”, anh thừa nhận nhưng cho biết “sẽ không bao giờ làm điều gì đó gây tổn hại tài chính cho ai đó”.

Giờ đây, anh và nhiều nhân vật khác đang tích góp vào NFT giống như cách mà các tỷ phú trong quá khứ đã chi tiêu sự giàu có của họ cho các kiệt tác của Picasso và Monet. Sundaresan đại diện cho một thế hệ nhà đầu tư mới: những vị vua tiền điện tử, những người đã tạo ra vận may vượt qua tầm mắt của các nhà quản lý tài chính. Giá trị ròng thực sự của họ là không rõ ràng vì tài sản của họ chủ yếu tồn tại trên blockchain bán ẩn danh, một loại sổ cái kỹ thuật số làm cơ sở cho tiền điện tử, không phải trong tài khoản ngân hàng, cổ phiếu hoặc tài sản.

Với ít sự giám sát của Chính phủ hoặc đòi hỏi pháp lý, các nhà đầu tư tiền điện tử chấp nhận rủi ro thua lỗ đáng kể trong bất kỳ dự án nào. Một số cơ quan quản lý đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các thị trường mới. Trong một bài phát biểu về sự giao thoa của tiền điện tử với an ninh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) Gary Gensler đã cảnh báo một không gian “đầy rẫy gian lận, lừa đảo và lạm dụng”.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho hay, gần đây, giám đốc của một sàn giao dịch tiền điện tử có tên BitConnect đã nhận tội tại tòa án liên bang Hoa Kỳ vì vai trò của mình trong kế hoạch lừa gạt các nhà đầu tư hơn 2 tỷ USD. Sàn giao dịch này hiện đã đóng cửa.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đã không đặt Sundaresan trong bất kỳ sự giám sát nào như vậy. SEC thì không có bình luận nào khi được Reuter đề nghị trả lời về vụ việc.

Christie’s cũng từ chối bình luận về thương vụ bán Beeple và nguồn tài chính, với lý do bảo mật khách hàng. Nghệ sỹ Beeple không trả lời yêu cầu bình luận…

Anh Thư - Lâm Gia


Nguồn Pháp luật Việt Nam
Link bài gốc

https://baophapluat.vn/cach-lam-giau-tu-tac-pham-nghe-thuat-ky-thuat-so-cua-vi-vua-meta-nguoi-an-do-post427175.html