Kiếm tiền từ sự mập mờ không rõ ràng
Những thông tin được phát hiện gần đây về FacePlay có thể khiến nhiều người phải giật mình về ứng dụng này.
FacePlay là app ghép mặt vào video cổ trang Trung Quốc đang rất hot trend TikTok, với các tính năng đặc biệt như: Thêm ảnh hoặc chụp ảnh và tự động ghép mặt vào video cổ trang với kho video cổ trang đa dạng, thú vị.
Có thể dễ dàng biến người dùng thành một soái ca kiếm hiệp hay mỹ nữ "vạn người mê", không tì vết, trẻ trung và xinh đẹp nhưng vẫn với gương mặt của chính mình, FacePlay là một trong những ứng dụng “gây bão” mạng xã hội tuần qua.
Đây là sản phẩm của hãng phần mềm BigHead Bros (có trụ sở tại Thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc). Ứng dụng này ban đầu có cả phiên bản dành cho Android lẫn iOS, nhưng ở thời điểm hiện tại phiên bản FacePlay trên nền tảng CH Play dành cho Android đã bị xóa bỏ, chỉ còn phiên bản dành cho iOS.
|
|
|
FacePlay sẽ cho phép dùng thử trong 3 ngày miễn phí hoặc trả tiền để không bị làm phiền bởi quảng cáo, bị dán nhãn bản quyền lên video sau khi xử lý.
Với phiên bản trả tiền chuyên nghiệp hơn, khi mua bản quyền ứng dụng, nhiều người dùng đã không khỏi giật mình khi kiểm tra tài khoản tín dụng của mình. Bởi lẽ, nếu như trên app FacePlay, giá 1 tuần ứng dụng được ghi là 1390đ, có thể hiểu là một nghìn ba trăm chín mươi đồng, mức giá được xem là quá rẻ cho thú vui dễ chịu này trong suốt 1 tuần.
Nhưng thực tế, số tiền mà người dùng phải chi trả là 139.000đ (một trăm ba mươi chín nghìn đồng). Với gói 1 năm, giá treo trên web là 1.0590đ, thực tế lại là 1.059.000đ. Nếu không để ý, người dùng dễ dàng chấp nhận bấm thanh toán mà không hay rằng mình đang chi trả số tiền lớn gấp 100 lần mức giá đã hiển thị.
|
|
Sự mập mờ về thông tin khiến app FacePlay dễ dàng "móc túi" người dùng. |
Điều đáng lưu ý, với nhiều khách hàng không để ý, trong phần thông tin treo trên app, việc mua bản quyền ứng dụng không theo kiểu mua đứt bán đoạn mà theo mức 1 tuần, 1 năm với các mức giá khác nhau. Nếu hết thời hạn bản quyền, nếu người dùng không hủy dịch vụ, app sẽ tự động gia hạn. Tuy nhiên, điều này thường bị đa số người dùng bỏ qua, không đọc kỹ đã chấp nhận các điều khoản của app.
Thậm chí, cả với những người đang sử dụng gói dùng thử 3 ngày, nếu không kịp thời gỡ bỏ ứng dụng khỏi thiết bị, FacePlay sẽ tự động đăng ký mua phiên bản chuyên nghiệp với hạn sử dụng trong một tuần mà không hỏi ý kiến người dùng.
|
|
Ít người để ý tới việc FacePlay sẽ tự động gia hạn đến khi bị hủy. Nếu không muốn mất tiền, phải hủy ứng dụng này trên thiết bị ít nhất một ngày trước mỗi ngày gia hạn. |
Như vậy, sự mập mờ của FacePlay khiến cho người dùng, dù muốn hay không, người dùng vẫn mất tiền nếu không xóa sớm ứng dụng.
Lời khuyên của các chuyên gia dành cho người dùng là hãy luôn đọc kỹ các điều khoản mà bất kỳ ứng dụng nào đưa ra, xem xét trước khi bấm nút cho phép để bảo vệ chính tài khoản của mình.
Dữ liệu cá nhân bị thu thập quá mức
Một thói quen không tốt của nhiều người khi tải và sử dụng các ứng dụng trên các “chợ ứng dụng” iOS và Android là dễ dàng cho phép các app thu thập dữ liệu cá nhân của mình mà không nghĩ đến những hậu quả có thể mang lại cho bản thân.
Với FacePlay, ngoài hình ảnh cá nhân, những dữ liệu thu thập sẽ gồm quyền xác định vị trí của người dùng, thông tin liên lạc (email, số điện thoại…), lịch sử giao dịch… Đây đều là những thông tin khá nhạy cảm với mỗi người. Nếu không được kiểm soát cẩn thận, những thông tin này có thể sẽ bị lợi dụng, dẫn đến hậu quả khó lường trước cho người dùng.
Ở thời điểm hiện tại, FacePlay mới chỉ biến mất “bí ẩn” trên chợ ảo của Google (CHPlay) và vẫn còn tồn tại trên kho ứng dụng của iOS. Vì vậy, còn sớm để có thể khẳng định về mức rủi ro mà app này có thể mang đến. Tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia dành cho người dùng vẫn là hãy cẩn trọng để không bị "tiền mất tật mang".
Nguyên Đỗ (t/h)