Brandon Dalaly được yêu cầu xuất trình thẻ vaccine khi tham dự một buổi hòa nhạc vào tháng trước. Khác bạn bè, anh không có bản cứng, cũng như chứng nhận trên điện thoại. Nhưng khi tới địa điểm, Dalaly trượt tay dưới máy quét, khiến nhân viên an ninh ngạc nhiên. Trong nửa giây, một ánh sáng xanh lục nhấp nháy dưới da và máy quét hiển thị chi tiết chứng nhận vaccine của anh.
Dalaly được vào mà không cần phải lục tung để tìm giấy tờ tùy thân. Anh chàng mô tả mình là "human cyborg" - nhân vật nửa người nửa robot trong các phim khoa học viễn tưởng. Vi mạch hay con chip của anh có kích thước bằng một hạt gạo, được chèn dưới da, nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến (RFID).
|
|
Patrick Kramer, giám đốc một công ty chuyên lĩnh vực bẻ khóa sinh học ở Đức đang quét chip để mở cửa. Ảnh: AFP |
"Đối với tôi, nó giống như có giác quan thứ sáu. Tôi sử dụng vi mạch để lưu trữ hồ sơ y tế, hồ sơ công việc cũng như sử dụng nó như một ví tiền điện tử và mở khóa" anh nói.
Dalaly lần đầu tiên phát hiện ra việc con người được cấy ghép chip vào năm 2014, khi đọc một công ty cho nhân viên chuyển đổi huy hiệu cấp bậc thành một con chip dưới da. Một số công ty khác cho nhân viên cấy chip để truy cập hệ thống máy tính.
Sau sáu năm nghiền ngẫm, cuối cùng Dalaly quyết định tiêm vào tháng 6/2020, lúc công nghệ này có đủ bản cập nhật để một vi mạch duy nhất có thể thực hiện nhiều chức năng.
|
|
Quá trình tiêm vi mạch. Ảnh: Jack Kisingman |
Công nghệ RFID đã tồn tại nhiều thập kỷ. Nhà khoa học người Anh Kevin Warwick (được biết đến với biệt danh Captain Cyborg) là người đầu tiên trên thế giới cấy ghép RFID năm 1998. Đến nay, công nghệ này trở nên phổ biến trên thị trường, đặc biệt ở Thụy Điển, nơi hàng nghìn người đã áp dụng. Đại dịch làm tăng khả năng tương tác với công nghệ hơn bao giờ hết, nhiều người càng thích biến cơ thể mình thành máy móc.
Hiện Dalaly sinh hoạt trong cộng đồng Facebook RFID Implantees, tập trung hơn 4.000 người gắn vi mạch hoặc đang dự định. Những thành viên cấy ghép vì nhiều lý do như bảo mật, mở cửa xe hơi, đến thẻ tín dụng. Một số người thích tiểu phẫu để đặt, số khác lại tiêm. Có người có một vi mạch, người có trên 20 chiếc.
Sandra Würthner, một blogger du lịch đến từ Áo, hiện có 25 con chip, cho biết cuộc sống của cô đã dễ dàng hơn theo nhiều cách. Năm 2017 cô trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới tiêm vi mạch để lưu trữ thông tin thanh toán. Sự tiện lợi, kèm cảm giác như người máy, khiến cô không quan tâm đến những phản ứng tiêu cực về công nghệ này. "Tôi luôn là một người hâm mộ khoa học viễn tưởng và rất mê Star Trek (hãng khoa học viễn tưởng của Mỹ). Thật tuyệt khi cảm thấy như có công nghệ này bên trong mình", cô nói
Đối với nhiều người, lắp vi mạch để thực hiện các chức năng cụ thể. Jake Bachus, một hacker đến từ Michigan, Mỹ, đã có những thiết bị cấy ghép thông thường để mở khóa cửa và lưu trữ thông tin. Nhưng anh cần cả chức năng an ninh nên đã lập trình một vi mạch trở thành chìa khóa bảo vệ an toàn cho khẩu súng của mình. Bachus mắc chứng tăng động giảm chú ý và thường làm mất chìa khóa hoặc quên mật khẩu. Các loại vi mạch là cứu cánh cho anh. "Nó nhanh hơn khóa điện tử, đáng tin cậy hơn sinh trắc học và cũng an toàn hơn", Bachus nói.
|
|
Patrick Paumen tạo dáng cùng tất cả các đồ anh đã mã hóa vào vi mạch của mình, gồm chìa khóa ôtô, khóa nhà, thẻ ID... Ảnh: Patrick Paumen |
Một số chuyên gia về quyền riêng tư bày tỏ lo ngại các vi mạch có thể được sử dụng để theo dõi, tấn công hay đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Nhiều người cấy đã bị phản ứng trái chiều khi bị coi là "khác người", "quái vật, "ác quỷ Satan". "Có lần tôi được bạn gái đưa về nhà gặp bố mẹ. Bố cô ấy nói vi mạch của tôi nghĩa là ngày tận thế đã cận kề và thậm chí còn trích dẫn một câu nói trong sách về dấu ấn của hung thần", Dalaly kể. Nhiều người khác như Sandra Würthner, thừa nhận đã mất nhiều bạn bè, vì cho rằng việc cấy ghép này nguy hiểm.
Tuy nhiên, đối với nhiều người cấy ghép, rủi ro lớn nhất là các bản cập nhật có thể khiến chip RFID của họ lỗi thời. Đây là trường hợp đặc biệt đối với Jackson Kingman, người cảm thấy không có bộ cấy ghép nào trong số 31 bộ cấy ghép của mình thực sự hữu ích. "Một trong các con chip của tôi bắt sóng kém, không còn hữu dụng. Một bộ khác có thể sử dụng đi thang máy, nhưng đáng buồn bị lỗi lập trình. Bây giờ tôi thấy có một số con chíp đã vô dụng. Nhưng tôi chưa từng nghĩ lấy ra, vì chúng đã tương thích với cơ thể tôi qua thời gian", Kingman nói.
Bất chấp các nguy cơ tiềm ẩn, cộng đồng vẫn đón nhận thành viên mới và công nghệ mới với niềm tự hào. Họ chọn ưu tiên yếu tố tiện lợi hơn là một tương lai không chắc chắn như những người không cấy ghép lo ngại. Nhóm cũng trở thành không gian trao đổi ý tưởng vi mạch độc đáo, từ một chiếc đồng hồ nơi các con số phát sáng dưới da, cho đến một ổ USD vô hình có thể lưu trữ tất cả dữ liệu dưới da.
"Không giống như hình xăm, những con chip không thay đổi diện mạo của bạn, mà bổ sung những công dụng thiết thực cho cơ thể chúng ta", Jake Bachus cho biết.
Bảo Nhiên (Theo Vice)