Trong số 10 doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, ngoại trừ Top 6 người dẫn đầu gần như cố định trong nhiều năm qua, 4 vị trí còn lại thường xuyên có sự thay đổi.

Ở thời điểm hiện tại, danh sách 10 tỷ phú chứng khoán giàu nhất Việt Nam lần lượt gồm: ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC); ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG); ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank (TCB); ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN); ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland (NVL);bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ Vietjet Air (VJC); ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Homes (SSH); ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR); ông Nguyễn Đức Thụy, nhà sáng lập Thaiholdings (THD); và cuối cùng là bà Vũ Thị Hiền, cổ đông lớn của Hòa Phát đồng thời là vợ ông Trần Đình Long.

10 doanh nhân nói trên hiện đang nắm trong tay tổng tài sản trị giá lên tới 490.720 tỷ đồng (tính theo giá trị cổ phiếu ngày 12/10), tương đương 21,65 tỷ USD. 

leftcenterrightdel
 Top 5 doanh nhân đang dẫn đầu danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Tính theo thứ tự người có tài sản lớn nhất, ông Phạm Nhật Vượng đang có khối tài sản trị giá lên tới hơn 200 nghìn tỷ đồng. Đây là giá trị lượng cổ phiếu VIC gồm hơn 2,1 tỷ cổ phiếu do cá nhân ông Vượng nắm giữ tính theo giá đóng cửa ngày 12/10. 

Trong thời gian qua, Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp tiên phong, hiện đang là nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam với các hoạt động thiết thực như: sản xuất máy thở, cung ứng sinh phẩm, trang thiết bị y tế, chẩn đoán, tài trợ cho các dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với Covid-19, tri ân các bác sỹ tuyến đầu chống dịch, đóng góp cho quỹ vắc xin,… Đặc biệt, Vingroup đã nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 từ Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Hoa Kỳ). Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.

Đứng thứ hai trong danh sách tỷ phú là doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Khối tài sản của ông Long tại HPG trị giá tới 66.500 tỷ đồng tính theo giá trị hiện tại của cổ phiếu HPG.

Giá cổ phiếu HPG liên tiếp lập đỉnh mới kể từ đầu năm, giúp vị doanh nhân được mệnh danh “Vua thép” ngày càng củng cố vững chắc vị trí thứ hai. Ngày 6/10 vừa qua, hãng dữ liệu của Anh quốc Refinitiv Eikon (tiền thân là Thomson Reuters Data) công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới. Tập đoàn Hòa Phát đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ đô la Mỹ. 

Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới. Tập đoàn Hòa Phát hiện có vốn điều lệ 44.729 tỷ đồng, lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. 

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Hòa Phát đã ủng hộ 150 tỷ đồng cho các hoạt động chống dịch.

Hai doanh nhân tiếp theo luôn gắn bó cùng nhau trong kinh doanh cũng như trong bảng xếp hạng là ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang. Với việc cùng sở hữu lượng lớn cổ phiếu TCB và MSN, hai đại gia này đang lần lượt có khối tài sản trị giá 38.500 tỷ đồng và 37.700 tỷ đồng.

Mới đây, hai vị doanh nhân này tiến thêm một bước mới để mở rộng hệ sinh thái tiêu dùng cho MSN bằng việc công bố chiến lược gia nhập phân khúc viễn thông bằng động thái mua lại 70% cổ phần của Mobicast JSC, đơn vị sở hữu thương hiệu Reddi, một công ty khởi nghiệp đang vận hành đầy đủ dịch vụ mạng ảo di động (MVNO) với tổng tiền mặt là 295,5 tỷ đồng thông qua đầu tư cổ phiếu sơ cấp và thứ cấp.

Đứng ở vị trí thứ năm trong Top 10 là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland, với khối tài sản trị giá 33.160 tỷ đồng. Vị trí này thường được hoán đổi bởi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người đang đứng ở vị trí thứ 6 với khối tài sản trị giá xấp xỉ 33.000 tỷ đồng thông qua HDB và VJC. Thậm chí, từng có thời gian dài bà Thảo là người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán và chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng.

Gương mặt mới nhất trong Top 10 hiện nay là doanh nhân Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine. Vị đại gia mới nổi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, mới đây lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng sau khi Tập đoàn Sunshine trở thành cổ đông lớn nhất của KienlongBank.

leftcenterrightdel
 Doanh nhân Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine.

Ông Tuấn có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ việc sở hữu cổ phiếu tại KienLongBank (KLB), nơi ông là Phó TGĐ và tại 3 doanh nghiệp do chính ông đang là Chủ tịch HĐQT gồm: CTCP Phát triển Sunshine Homes (SSH), và CTCP Xây dựng SCG (SCG), và CTCP Tập đoàn KSFinance (KSF). Trong đó, KSF được định hướng trở thành một công ty cho vay tiêu dùng theo kiểu cho vay qua app.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị tài sản của ông Đỗ Anh Tuấn lên đến 26.500 tỷ đồng, đưa doanh nhân này lọt vào vị trí thứ 7. Khối tài sản này đến từ việc đại gia này đang sở hữu hơn 12,40 triệu cổ phiếu KLB, hơn 162,721 triệu cổ phiếu KSF, 8,5 triệu cổ phiếu SCG, và 162,5 triệu cổ phiếu SSH.

Bám rất sát vị trí thứ 7 của ông Tuấn là doanh nhân Nguyễn Văn Đạt, người đang có khối tài sản trị giá 25.900 tỷ đồng thông qua cổ phiếu PDR.

Sau khi chính thức trở thành cổ đông và ngồi vào ghế Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, doanh nhân Nguyễn Đức Thụy cũng lọt Top 10 với vị trí thứ 9 hiện tại. Hiện vị đại gia quê Ninh Bình này đang có trong tay khối tài sản trị giá 20.340 tỷ đồng thông qua việc nắm giữ hơn 34 triệu cổ phiếu LPB và 86 triệu cổ phiếu THD.

Người phụ nữ thứ hai và cũng là người cuối cùng trong Top 10 là bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long. Người phụ nữ kín tiếng này không trực tiếp điều hành tại Hòa Phát nhưng việc sở hữu hơn 328 triệu cổ phiếu HPG khiến bà trở thành một trong những người phụ nữ giàu có nhất Việt Nam với giá trị tài sản 18.300 tỷ đồng.

Trong số những người từng có mặt trong Top 10 gần đây, đáng tiếc nhất là sự vắng mặt của doanh nhân Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch Thế giới Di động) khi ông đã rớt xuống vị trí thứ…. 17 sau khi giá trị tài sản chỉ còn 8.200 tỷ đồng.

Hiền Anh

Nguồn Infonet
Link bài gốc

https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/10-doanh-nhan-giau-nhat-san-chung-khoan-co-tai-san-khung-co-nao-394946.html