Hút 7.780 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Bách Hưng Vương vào ngày 17/12/2021 đã huy động thành công 2.980 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng.

Đáng chú ý rằng, bản công bố thông tin Bách Hưng Vương không nêu cụ thể các thông tin như lãi suất, mục đích huy động, tài sản đảm bảo hay các đơn vị tham gia tư vấn phát hành trái phiếu, cũng như tài sản đảm bảo (nếu có).

Tuy nhiên, với quy mô phát hành gần ngang với vốn pháp định một ngân hàng thương mại, lô trái phiếu của Bách Hưng Vương không khỏi thu hút sự chú ý của giới đầu tư, đặc biệt về cơ cấu cổ đông cũng như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian qua.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Bách Hưng Vương được thành lập vào tháng 5/2018, có trụ sở tại Hado Building, số 2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm bà Đinh Thị Ngọc Thanh nắm giữ 75%, bà Đoàn Thị Thủy nắm giữ 15% và bà Trần Thị Thu Hà nắm giữ 10%.

Bách Hưng Vương đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.

Đáng chú ý, Tổng Giám đốc của Bách Hưng Vương - bà Đinh Thị Ngọc Thanh hiện nay cũng đang là đại diện pháp luật của CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp).

Trước đó, ngày 24/8, Bông Sen Corp cũng đã phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị 4.800 tỷ đồng, mục đích để tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp vào năm 2019. Trong năm 2019, doanh nghiệp này đã huy động 7.400 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy, chỉ trong năm 2021, hai doanh nghiệp liên quan đến nữ doanh nhân sinh năm 1974 đã hút thành công 7.780 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Bách Hưng Vương và Bông Sen Corp đang kinh doanh thế nào?


Biểu đồ: Quang Dân

Trở lại với tình hình kinh doanh của Bách Hưng Vương, giai đoạn 2018 -2020 doanh nghiệp chưa ghi nhận doanh thu. Đồng thời báo lỗ sau thuế -90,7 triệu đồng năm 2018, cùng lỗ -142 triệu đồng năm 2019 và 2020.

Tính đến năm cuối 2020, tổng tài sản Bách Hưng Vương có hơn 3.149 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 199,6 tỷ đồng; nợ phải trả còn 2949,4 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên đến 14,7 lần. Với tối thiểu gần 3.000 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu mới đây, sẽ đè nặng thêm "sức khỏe" tài chính của Bách Hưng Vương trong tương lai.

Trong khi đó, Bông Sen Corp tiền thân là Khách sạn Bông Sen - thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Tháng 1/2005, doanh nghiệp được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Bông Sen. Thời điểm thành lập, Bông Sen có vốn điều lệ 130 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2019, doanh nghiệp này đã tăng vốn lên 4.777 tỷ đồng.

Trên thị trường bất động sản, Bông Sen Corp được biết đến với việc sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn ở những khu vực đắt đỏ của TP HCM như Khách sạn Palace Saigon nằm tại số 56-66 Nguyễn Huệ; khách sạn Bông Sen Sài Gòn (117-123 Đồng Khởi); Nhà hàng Bier Garden (125 Đồng Khởi) hay nhà hàng café Brodard (số 131-133 Đồng Khởi).

Vào năm 2015, Bông Sen Corp đã mua lại 51% vốn tại Trung tâm Thương mại Daeha của Tập đoàn Hàn Quốc Daewoo thông qua CTCP Đầu tư Hợp Thành 1, qua đó sở hữu khách sạn Daewoo tại số 360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.


Biểu đồ: Quang Dân.

Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần của Bông Sen Corp (công ty mẹ) đều nằm ở ngưỡng trên dưới 250 tỷ đồng/năm, nhưng trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến doanh thu Bông Sen Corp giảm xuống còn 117,5 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, năm 2016 và 2017 Bông Sen Corp ghi nhận lỗ sau thuế lần lượt -168 tỷ đồng và -136,6 tỷ đồng. Năm 2018, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 132,2 tỷ đồng, năm 2019 lãi 79,8 tỷ đồng, năm 2019 lãi 5 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Bông Sen Corp đạt 10.736 tỷ đồng, giảm 1.436 tỷ đồng so với 1 năm trước đó. Vốn chủ sở hữu đạt 4.869 tỷ đồng. Nợ phải trả còn 5.867 tỷ đồng.

Quang Dân

Nguồn https://danviet.vn/
Link bài gốc

https://danviet.vn/bach-hung-vuong-va-bong-sen-corp-dang-kinh-doanh-the-nao-20220105084542049.htm