Theo báo Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

Nhìn lại chặng đường 1 năm qua, GDP quý I tăng 4,72%, quý II tăng 6,73%, quý III giảm 6,02% và quý IV tăng 5,22%. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Riêng trong quý IV, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.

Cùng với đó, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại. So với quý III, trong 3 tháng cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 28,1%; vận chuyển hành khách tăng 48,4%, luân chuyển hành khách tăng 51,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 31,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%; khách quốc tế đến nước ta tăng 62,7%.

Đáng chú ý, cả năm 2021, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, hoạt động tài chính - ngân hàng tăng 9,42%, ngành thông tin và truyền thông tăng gần 6%.

Như vậy, việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. 
leftcenterrightdel
 Bất chấp dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương. Ảnh minh họa


Theo báo Kinh tế và Đô thị, đánh giá năm 2022, Tổng cục Thống kê dự báo, dịch COVID-19 có thể chưa chấm dứt do sự xuất hiện khó lường của các biến chủng như Omicron, nên các ngành dịch vụ thị trường chưa thể khôi phục hoàn toàn. Nhưng sẽ khả quan hơn năm 2021 nhờ việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể dự báo dựa vào các yếu tố, động lực như: Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được từ việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và cải thiện nhờ vào lực đẩy từ doanh nghiệp FDI. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản ổn định, tạo tiền đề điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả hơn.

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch với các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế.

Cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ 2 mũi tương đối, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Việc nới lỏng các chính sách tài khóa, thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu. Ngoài ra, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giao thương, xuất khẩu mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó tạo ra các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh mới tích hợp công nghệ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn thách thức là, dịch COVID-19 còn phức tạp, lạm phát còn tiềm ẩn, giá hàng hoá, lãi suất trên thế giới có xu hướng tăng. Do đó, năm 2022 và những năm tiếp theo cần cơ cấu lại nền kinh tế, rà soát tín dụng, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần quyết liệt trong đầu tư công, tập trung cải cách hành chính và cấp bách giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương…

Bảo An (tổng hợp)


Nguồn Thương hiệu và pháp luật
Link bài gốc

https://thuonghieuvaphapluat.vn/bat-chap-dich-benh-kinh-te-viet-nam-van-duy-tri-tang-truong-duong-d49852.html