leftcenterrightdel
 Dù đã bị loại khỏi danh mục được sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam hơn 2 năm qua nhưng thuốc trừ cỏ chứa chất cấm glyphosate, paraquat, 2,4D vẫn được bán tràn lan trên thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại một hội nghị của Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT vào tháng 9-2021, lãnh đạo ngành NN&PTNT một số địa phương cho biết do giá vật tư nông nghiệp tăng nhanh, nhiều nông dân đã chọn mua những chất cấm với giá rẻ để phun xuống đồng ruộng thay vì các chất được phép sử dung. Cơ quan quản lý vật tư nông nghiệp và quản lý thị trường thừa nhận có tình trạng bán chất cấm ở nhiều nơi nhưng rất khó kiểm soát và xử lý vì các đối tượng sử dụng mạng xã hội, các trang thương mại điện tử... rao bán hoặc các đại lý lén lút bán cho nông dân.

Bị cấm 4 năm vẫn có mặt trên thị trường

Đầu tháng 10-2021, trong vai người có nhu cầu tìm mua thuốc trừ cỏ cho thanh long, lúa và bắp, chúng tôi được nhiều nông dân tại huyện Đức Hòa, Long An khuyến cáo rằng dùng các chất trừ cỏ mới không chỉ đắt hơn mà tác dụng không bằng các chất cũ như 2,4D, paraquat hay glyphosate, đồng thời cho biết các loại chất này vẫn được bán tràn lan.

Và tại một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn này, sau khi chúng tôi đưa ra yêu cầu, nhân viên bán hàng vào trong nhà rồi đem ra hai chai thuốc. Đó là một loại thuốc có tên Zico với thành phần chính là 2,4D-Dimethylamine 720g/l. Trên bao bì sản phẩm ghi rõ nhà sản xuất của Zico là Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn (quận 7, TP.HCM) nhưng không có thời gian sản xuất cũng như thời hạn sử dụng.

Thành phần trên nhãn mác ghi chất 2,4D-Dimethylamine 720g/l và chất phụ gia chuyên dùng trừ cỏ lá rộng. Sản phẩm Cỏ Đồi ghi rõ hoạt chất glyphosate IPA salt 480g/l của Công ty cổ phần nông nghiệp Agriking trụ sở tại Bình Chánh, TP.HCM. Ngày sang chai ghi trên nhãn chai là 23-9-2021 và hạn sử dụng 2 năm.

Tại một đại lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở huyện Cư M'gar, Đắk Lắk, khi hỏi mua chất trừ cỏ lưu dẫn, chúng tôi được chủ cửa hàng giới thiệu một chai glyphosate-TC 480SL. Sản phẩm được phân phối bởi Công ty TNHH SX Vinamax Euro địa chỉ tại KCN Đức Hòa 1 (Long An), đơn vị đăng ký là Công ty CP Cali Agritech USA. Nhà sản xuất là Hebei Bestar Commerce and Trade Co. Số đăng ký: 2469/CNĐK-BVTV và thời gian sản xuất là tháng 3-2020 với thời hạn sử dụng 2 năm.

Rao bán chất cấm tràn lan trên mạng

Không chỉ các đại lý lén lút bán chất cấm, trên các trang mạng xã hội đang có hàng chục group kinh doanh phân bón và thuốc BVTV khác nhau. Chẳng hạn, group có tên "Hội đại lý phân bón thuốc BVTV" trên Facebook đang có hơn 64.500 thành viên hoạt động sôi nổi, với rất nhiều chất cấm được chào bán với số lượng khủng. Mỗi ngày có 3-7 bài viết rao bán các loại chất cấm gồm 2,4D, paraquat và glyphosate.

Theo dõi các bài đăng chào bán, có thể nhận thấy có khoảng 20 loại thuốc trừ cỏ chứa chất cấm 2,4D, paraquat và glyphosate với những tên gọi khác nhau như Helosate, Vua diệt cỏ, Lyphoxim, Niphosate, Glyphosan, Glyphoxym.Thai 480SL (giá khoảng 130.000 đồng/chai 800ml) có cả chữ Thái Lan và chữ Việt Nam trên bao bì; Lagoote, Con ngựa vằn (toàn tiếng Thái); Zico và có cả những tên thuốc hoàn toàn bằng chữ Thái Lan hoặc Campuchia.

Phần lớn những điểm bán chất cấm trên nhóm này đều chỉ bán sỉ cho các đại lý, rất ít bán lẻ. Các đại lý trên nhóm này cũng rất đa dạng vùng miền từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đến miền Nam và đều quảng cáo ship hàng toàn quốc cho khách có nhu cầu. Ngoài Facebook, các sàn thương mại điện tử như Shopee cũng trở thành nơi quảng bá và kinh doanh chất cấm.

Ông Nguyễn Văn Cường, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và quản lý chất lượng nông sản (Sở NN&PTNT Long An), cho biết vẫn còn tình trạng bán chui các loại chất cấm ở các đại lý nhỏ lẻ vùng sâu vùng xa và trên mạng.

Tuy nhiên, do không bán công khai hoặc bán bằng nick ảo trên mạng nên cơ quan quản lý rất khó phát hiện và xử lý tận gốc. "Thời gian qua chúng tôi cũng phối hợp với Công an kinh tế và quản lý thị trường tỉnh Long An phát hiện bắt giữ một số vụ buôn bán chất cấm, buôn bán hàng giả thuốc BVTV", ông Cường cho biết.

leftcenterrightdel
 Facebook cá nhân và các group đang trở thành kênh bán các loại chất cấm công khai - Ảnh chụp màn hình


Khó xử lý do bán lén lút?

Giám đốc một công ty kinh doanh thuốc BVTV khẳng định đây đều là các loại thuốc đã bị cấm sản xuất và kinh doanh theo quyết định của Bộ NN&PTNT. "Việc một số đơn vị và cá nhân vẫn tiếp tục sản xuất và kinh doanh các hóa chất này là vi phạm", vị này nói.

Cũng theo vị này, các đại lý chỉ bán lén lút cho người quen hoặc được giới thiệu, trong khi trên mạng vẫn rao bán tràn lan với số lượng khủng. Các chất cấm đang bán ngoài thị trường có hai dạng. Một là những loại đã sản xuất từ trước khi có lệnh cấm và có những loại được sản xuất sau khi thời điểm cấm có hiệu lực.

Trong đó, loại sản xuất trước thời điểm cấm đã hết hạn sử dụng vẫn được nhiều công ty, đại lý đưa ra bán ngoài thị trường thay vì phải tiêu hủy như quy định. Riêng loại sản xuất mới đây là do các đơn vị cố tình nhập lậu các loại nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay Campuchia về pha chế, thậm chí nhập cả hàng nguyên đai, nguyên kiện và nhãn mác của nước ngoài về buôn bán.

"Chỉ cần một nick tự lập trên Facebook, một gian hàng tự tạo trên các sàn thương mại điện tử với số tài khoản và điện thoại là có thể bán hàng và giao hàng đi khắp nơi mà không sợ bị phát hiện", vị này cho biết thêm.

Ông Trương Văn Nhương - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk - cũng cho biết thời gian qua các cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều loại thuốc BVTV cấm, làm giả trên địa bàn. Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp chi tiết. "Việc buôn bán chất cấm là có nhưng do họ lén lút nên rất khó phát hiện", ông Nhương cho hay.

 

Vẫn lọt nông sản có chất cấm

Theo Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), trong các tháng 9 và 10-2021, nơi này liên tục nhận được thông tin cảnh báo từ thị trường EU vì nông sản, thực phẩm Việt Nam chứa chất cấm hoặc vượt giới hạn cho phép.

Cụ thể, một lô sản phẩm gạo thơm có mức dư lượng thuốc tricyclazole là 0,017 mg/kg (quy định của EU mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01 mg/kg). Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong một lô hàng mướp đắng (khổ qua) nhập từ VN. Ý phát hiện chất sulphite không khai báo đối với lô hàng động vật giáp xác và hải sản xuất khẩu. Tây Ban Nha phát hiện chất cấm profenofos (ngoài chất chlorpyrifos ethyl)... Na Uy và Pháp cũng phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập từ Việt Nam...

 

Loại bỏ chất có hại

Ngày 8-2-2017, Bộ NN&PTNT ban hành quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2,4D và paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VN.

Quyết định này căn cứ trên các bằng chứng khoa học về thuốc BVTV gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường... Tuy nhiên, các doanh nghiệp được ân hạn thêm 2 năm để tiêu thụ hết lượng thuốc đã nhập khẩu và sản xuất. Theo đó, từ 8-2-2019, việc kinh doanh loại thuốc trừ cỏ có hoạt chất 2,4D và paraquat đã bị cấm hoàn toàn.

Tháng 4-2019, một chất độc khác là glyphosate (sản xuất thuốc trừ cỏ) cũng bị Cục BVTV đưa ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VN. Theo thông tư số 10 (ngày 9-9-2020) của Bộ NN&PTNT, các thuốc BVTV có chứa hoạt chất glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30-6-2021. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải tiêu hủy theo quy định.

Trần Mạnh

Nguồn Báo Tuổi trẻ
Link bài gốc

https://tuoitre.vn/chat-cam-lai-rinh-rap-nong-san-20211104214233416.htm