“Thổi” năng lực để trúng thầu
Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây dựng hạng mục dịch chuyển đường điện 110kV (phục vụ công tác GPMB) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường H, TP.Bắc Ninh (đoạn từ nút giao đường Kinh Dương Vương đến hồ điều hoà), bên mời thầu là Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị (UBND tỉnh Bắc Ninh). Giá gói thầu: 36.876.399.000 VNĐ.
Trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự “Nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong vòng 3 năm trở lại, tính đến thời điểm đóng thầu; Là hợp đồng thi công xây dựng công trình công nghiệp (đường dây hoặc trạm biến áp) cấp II trở lên; Số lượng hợp đồng bằng 2 hoặc khác 2, ít nhất có 01 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 25.813.480.000 VNĐ, tổng giá trị các hợp đồng ≥ 51.626.960.000 VNĐ. Loại công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp II”.
Tham gia dự thầu gói thầu trên, tại Hồ sơ dự thầu (HSDT), Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam kê khai các hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực kinh nghiệm thi công công trình.
Cụ thể, hợp đồng số 32/2019/HĐXL cải tạo nâng cấp, giảm tổn thất điện năng và đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải các TBA phân phối khu vực phía Bắc huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; Hợp đồng 54/HĐ-PC MYDUC Thi công xây dựng mới các TBA trên địa bàn huyện Mỹ Đức năm 2018 (đợt 2). Cả hai hợp đồng trên, Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam kê khai là công trình công nghiệp cấp III.
Tuy nhiên, cả hai công trình thuộc hợp đồng số 32/2019/HĐXL và Hợp đồng 54/HĐ-PC MYDUC thực tế đều là công trình thi công cấp IV mà nhà thầu Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam đã thực hiện thi công trước đó.
Theo hướng dẫn tại Mục 2.1 Chương III Mẫu HSMT xây lắp một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT, hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét, bao gồm: Tương tự về bản chất và độ phức tạp: Có cùng loại và cấp công trình tương tự hoặc cao hơn cấp công trình yêu cầu cho gói thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng; Tương tự về quy mô công việc: Có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét. Hai công trình có cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình đang xét, quy mô mỗi công trình cấp thấp hơn liền kề bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét thì được đánh giá là một hợp đồng xây lắp tương tự.
Chính vì điều này mà hai hợp đồng 32/2019/HĐXL và Hợp đồng 54/HĐ-PC MYDUC mà Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam kê khai là công trình công nghiệp cấp III (cấp thấp hơn cấp II mà bên mời thầu yêu cầu) nghiễm nhiên được công nhận là hợp lệ.
Không chỉ kê khai “gian” năng lực kinh nghiệm thi công cấp công trình, cũng tại HSDT của Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam tham gia đấu thầu gói thầu thuộc Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị (UBND tỉnh Bắc Ninh), Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam còn khai lệch giá trị thi công hợp đồng tương tự.
Đó là Hợp đồng số 01/2020/HĐXL/PCST-LD XLĐVN&XDHN, Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam kê khai: giá trị ương ứng trong hợp đồng là 5.549.096.078, giá trị thực hiện 5.549.096.078. Nhưng thực tế đây là gói thầu mà Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam cùng liên danh với một nhà thầu khác và phần việc thực tế mà Xây lắp Điện Việt Nam chỉ xấp xỉ 4,7 tỷ đồng. Chưa kể gói thầu thuộc hợp đồng 01/2020/HĐXL/PCST-LD XLĐVN&XDHN là công trình cấp IV nhưng Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam kê khai là công trình cấp III.
Với sự kê khai không trung thực trên, Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam (với tư cách thành viên liên danh) đã trúng thầu số 10 của Ban Quản lý Khu vực Phát triển Đô thị (UBND tỉnh Bắc Ninh), giá trúng thầu 35.504.803.000 đồng.
Theo một chuyên gia đấu thầu, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu, việc nhà thầu trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu. Nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Gian lận trong đấu thầu?
Theo hướng dẫn tại Mẫu số 15 và Mẫu số 18 Mẫu HSMT xây lắp một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu phải đề xuất một số vị trí nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Theo đó, nhà thầu không được kê khai những nhân sự, thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.
Cũng tại gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây dựng hạng mục dịch chuyển đường điện 110kV (phục vụ công tác GPMB) thuộc dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường H, TP.Bắc Ninh (đoạn từ nút giao đường Kinh Dương Vương đến hồ điều hoà). Thời điểm đóng thầu là 20/07/2021.
HSDT của Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam kê khai nhân sự chủ chốt gồm: 01 Chỉ huy trưởng công trường Nguyễn Hùng Cường; Kỹ thuật thi công trực tiếp phần điện Nguyễn Thế Thanh; Cán bộ phụ trách an toàn lao động Nguyễn Hoài Nam.
Đồng thời, nhà thầu này cũng kê khai một số thiết bị thi công, trong đó có xe tải có cần trục 34C-266.99, mang nhãn hiệu Huyndai model HD 320, năm sản xuất 2014.
Tuy nhiên, cũng dàn nhân sự chủ chốt “nguyên xi” như trên, và thiết bị thi công trên, Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam lại đang huy động cho gói thầu trúng thầu trước đó là Gói thầu Xây lắp và lắp đặt thiết bị. Dự án: Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện lưới điện trung áp 22kV sau TBA 110kV Nghĩa Hưng (E3.10) theo phương án đa chia đa nối (MDMC) thuộc Điện lực Nam Định làm chủ đầu tư.
Hay như ở Gói thầu số 03: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư vùng sạt lở xã Nhân Huệ, TP.Chí Linh (giai đoạn 1). Giá gói thầu lên tới 23.909.955.000 đồng, do Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam tiếp tục kê khai huy động nhân sự kỹ thuật chủ chốt Nguyễn Thế Thanh để dự thầu trong khi nhân sự này đã được huy động để thi công cho gói thầu xây lắp khác cùng thời điểm.
Đáng chú ý, chủ đầu tư của những gói thầu trên không hiểu vì lý do gì lại không yêu cầu Công ty TNHH Xây lắp Điện Việt Nam chứng minh về khả năng huy động động nhân động nhân sự của nhà thầu này trước khi ký hợp đồng theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Nói về thực trạng gian lận kê khai HSDT hiện nay, chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến nhận định, chỉ khi làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu bằng những tài liệu gian lận thì nhà thầu mới bị cấm thầu là chưa đúng tinh thần của Luật Đấu thầu và coi nhẹ các yếu tố giám sát trong đấu thầu. “Trong quy định về trách nhiệm của tổ chuyên gia đấu thầu, nòng cốt nhất là bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong đấu thầu. Do đó, khi phát hiện hành vi gian lận, tổ chuyên gia cần đề xuất để CĐT, người có thẩm quyền xem xét, có hình thức xử lý thích đáng với nhà thầu. Có như vậy, nhà thầu mới nghiêm túc dự thầu bằng năng lực, kinh nghiệm thật”, bà Yến nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Không chỉ những gói thầu trên, nhà thầu này được đánh giá là nhà thầu quen của nhiều chủ đầu tư, thi công hàng hoạt gói thầu xây lắp điện như Gói thầu số 01 – Xây lắp thuộc công trình di chuyển đường điện phục vụ mở rộng tỉnh lộ 295 đoạn từ thị trấn Vôi đi Bến Tuần - Điện lực Bắc Giang; Gói thầu số 03 – Xây lắp và mua sắm vật tư, thiết bị thuộc dự án CQT lưới điện huyện Tiên Lữ bổ sung năm 2016 (DA1); CQT lưới điện huyện Phù Cử bổ sung năm 2016 (DA2) – Điện lực Hưng Yên; Gói thầu NPC-KFW2: Xây lắp lưới điện cho các xã thuộc huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu - Điện lực Nam Định... |
Nhóm PVĐT