leftcenterrightdel
 Gần đây, các ngân hàng thương mại đã siết dần điều kiện cho vay bất động sản, chứng khoán.

Trong khi đó, thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại cũng cho biết đang siết dần điều kiện cho vay bất động sản, chứng khoán do những rủi ro từ các lĩnh vực này vẫn có khả năng gia tăng.

Hãm tín dụng vào chứng khoán, bất động sản

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, cho vay lĩnh vực bất động sản luôn có điểm hấp dẫn vì có tài sản đảm bảo rõ ràng. Tuy nhiên, vì bất động sản có chu kỳ lên và xuống nên các tài sản đảm bảo cũng có thể trở thành nợ xấu.

Các ngân hàng cho biết, đang giảm dần dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản. Tại ngân hàng MB, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 75 tỷ đồng, xuống còn 9.320 tỷ đồng, cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng 3,31%. MB đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực khác như hoạt động làm thuê hộ gia đình; cho vay bán buôn, bán lẻ, ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng dư nợ tín dụng chung của MB tăng 10,9% trong nửa đầu năm nay, đạt hơn 314.900 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của LienVietPostBank cho biết, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 52% trong nửa đầu năm nay, xuống 1.672 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng của dư nợ cho vay bất động sản chỉ còn 0,87%. 

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 5,5% thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Trong khi đó kết thúc tháng 6/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán chiếm khoảng 0,48% tổng dư nợ nền kinh tế.

Nhiều dẫn chứng chỉ ra, khối ngân hàng đang từng bước hãm dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản. Lý do là bởi, tác động của dịch Covid -19, các hoạt động đầu tư giảm mạnh, nên ngân hàng cũng cẩn trọng khi rót vốn vào lĩnh vực này.

Kiểm soát dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro 

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán,… đang gây mất cân bằng tài chính.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, những tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, giá bất động sản tăng cao, nhất là giá đất nền ở những địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông,... Đến hết quý I, theo Ngân hàng Nhà nước, có hơn 1,8 triệu tỷ đồng cho vay bất động sản. Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do đại dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhận định, xu hướng này tương đồng với diễn biến chung trên thế giới một năm qua.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành và địa phương. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro trong hoạt động ngân hàng, khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.   

T. Hằng


Nguồn Báo Đại đoàn kết
Link bài gốc

http://daidoanket.vn/chuyen-huong-dong-chay-tin-dung-5665711.html