Hoạt động đấu thầu vốn được đưa ra với mục đích để công khai, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành là cả một quãng đường dài bởi trên thực tế đã có không ít những cuộc chiến ngầm, những mánh khóe tinh vi trên thương trường đấu thầu đầy khắc nghiệt này.

Hiện nay, tại nhiều đơn vị, hồ sơ mời thầu “cài cắm” nhiều điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Không ít những phiên đấu thầu trở thành vở diễn với những kịch bản được định sẵn giữa chủ đầu tư và các nhà thầu tham dự khiến tiền của Nhà nước cứ thế mà “trôi” đi…

Những biến tướng của hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” đang xảy ra với nhiều hình thức tinh vi hơn. Thậm chí, trò “kẹp trên, ghì dưới” khi đấu thầu trong ĐTQM hiện nay rất dễ bắt gặp. Cụ thể, tại gói thầu nào “khó nắm bắt tình hình”, có hiện tượng “quây thầu”, nhà thầu “quân xanh” rất đông, khoảng 3 - 5 nhà thầu. Mỗi nhà thầu có một nhiệm vụ gây hoang mang cho nhà thầu muốn đấu trực diện. Có nhà thầu “vệ tinh”, dự cho có, đương nhiên bị loại tại khâu đánh giá tư cách hợp lệ. Còn hai nhà thầu có vai trò “ghì dưới” (giá thấp sát giá nhà thầu cạnh tranh thực) và nhà thầu đóng vai trò “kẹp trên” (giá cao vượt giá nhà thầu quân đỏ). Trong trường hợp này, thường thấy nhà thầu “quân đỏ” dàn quân rất hùng hậu với các nhà thầu thân hữu để cùng loại duy nhất 1 nhà thầu “lạ”.

leftcenterrightdel
 

Và theo phản ánh, những gói thầu với sự tham gia của Công ty Cổ phần Mopha và Công ty CP Uy tín Toàn Cầu, Công ty CP Tư vấn công nghệ và Thiết bị TCT (Công ty TCT) cũng đang đặt ra nhiều nghi vấn.

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Công ty Cổ phần Mopha (tầng 7, số 163 phố Bà Triệu, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đã tham gia và trúng rất nhiều gói thầu về mua sắm hàng hóa, trong đó có nhiều gói thầu về trang thiết bị giáo dục. Tuy nhiên trang thiết bị trong các gói thầu mà công ty này trúng thầu đều có giá cao hơn thị trường rất nhiều.

Đặc biệt có thể dễ dàng nhận thấy, trong hầu hết các gói thầu, bộ 3 Công ty Cổ phần Mopha và Công ty CP Uy tín Toàn Cầu, Công ty CP Tư vấn công nghệ và Thiết bị TCT (Công ty TCT) luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau, kể cả khi làm đối thủ hay khi độc lập để tạo liên danh trúng thầu.

Khi bộ 3 trở thành đối thủ của nhau

Cụ thể, ngày 16/4/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc công bố thông tin mời thầu Gói thầu Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn Tin cho các trường Tiểu học trong tỉnh (Gói thầu tin học Tiểu học) thuộc dự án trên. Dự toán Gói thầu này là hơn 52 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước.

Theo hồ sơ mời thầu thì nhà thầu phải chứng minh tình hình tài chính lành mạnh bằng việc phải kê khai số liệu tài chính theo báo cáo tài chính từ năm 2018 đến năm 2020. Yêu cầu mời thầu là trong vòng 3 năm gần đây, doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu là trên 79 tỷ đồng.

Đến ngày 10/5/2021, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc mở thầu thì có 2 nhà thầu tham dự gồm: Công ty CP Mopha và Công ty CP Tư vấn công nghệ và thiết bị TCT (Số 17 ngõ 97 ngách 24/1 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội). Như vậy trong gói thầu này, Mopha và TCT đã trở thành đối thủ của nhau.

Trong khi đó, tại gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ của các trường tiểu học, trung học cơ sở” do Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Giang làm bên mời thầu, Công ty Mopha và Công ty UTTC là đối thủ của nhau.

Vào năm 2017, Công ty UTTC và Công  ty TCT cũng trở thành đối thủ của nhau khi tham gia gói thầu “Cung cấp, lắp đặt và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn” trong dự án: Xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng do Cục Y tế giao thông vận tải là bên mời thầu.

Liên danh hợp tác trúng thầu

Mặc dù trong những gói thầu trên, họ là đối thủ của nhau nhưng tại gói thầu khác, các công ty này lại trở thành liên danh để trúng thầu.

Cụ thể, vào tháng 12/2020, Công ty CP Mopha đã liên danh với Công ty CP Tư vấn công nghệ và Thiết bị TCT tham gia gói thầu Cung cấp trang thiết bị phục vụ nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu do Viện Nghiên cứu Hạt nhân mời thầu và trúng gói thầu này. Gần đây nhất, Công ty CP Mopha cũng vừa liên danh với Công ty CP Tư vấn Công nghệ và Thiết bị TCT để tham dự gói thầu số 1: Mua sắm thiết bị thuộc đề án đầu tư mua sắm đồ dùng dạy học tiên tiến cho các đơn vị trường học năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Tổ mua sắm tài sản theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư, số tiền 58.430.866.000 VNĐ.

Một gói thầu khác mà 2 nhà thầu này cùng liên danh để trúng thầu là gói thầu "Cung cấp trang thiết bị phục vụ nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu" do Viện nghiên cứu hạt nhân làm chủ đầu tư. Ở gói thầu này, Công ty Mopha và Công ty TCT đã "song kiếm hợp bích".

Vậy câu hỏi đặt ra là Có hay không việc Công ty Cổ phần Mopha bắt tay với các nhà thầu để dàn xếp kết quả trúng thầu? Có hay không việc cố tình bắt tay để đưa “quân xanh, quân đỏ” vào các gói thầu?

Đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát các cuộc thầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Có như vậy, đấu thầu qua mạng mới thực sự đem lại nhiều ý nghĩa đúng như kỳ vọng.

Nhóm PV

Nguồn Sở hữu trí tuệ và sáng tạo
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/cong-ty-co-phan-mopha-co-hay-khong-viec-bat-tay-tao-lien-danh-trung-thau-d112706.html