Hiện website của Ngân hàng tự xưng IBH cũng đã đóng, toàn bộ tài khoản của người tham gia vào mô hình đã bị vô hiệu hóa. Những người vốn vẫn tự xưng đứng đầu dự án, giờ cũng đã biệt tăm. Lãi đâu không thấy, gần 5 tỷ đồng mà một người phụ nữ trót đầu tư vào mô hình IBH đang có nguy cơ bị mất trắng.
"Hiện tại tôi không thế vào được website mà tôi đã chuyển tiền vào. Đối tượng đã mời tôi tham gia vào đầu tư gọi điện liên lạc cũng không bắt máy", người tham gia mô hình IBH nói.
Một người khác tham gia mô hình IBH cho biết: "500 triệu đồng thì chúng tôi chỉ thu về được 1/10, trong giao dịch khoảng 2 - 3 tháng đầu tiên".
|
|
Đầu tư Ngân hàng tự xưng IBH, hàng nghìn người đang có nguy cơ mất trắng. |
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, hiện cả nước có khoảng 240 sàn giao dịch tiền ảo, forex của hơn 100 đối tượng cầm đầu, có dấu hiệu không minh bạch, không đúng đắn. Mô hình sau có mối liên hệ, liên quan đến mô hình trước.
Chẳng hạn nhóm môi giới trong mô hình IBH lần này cũng chính là nhóm đứng ra kêu gọi hàng nghìn người dân tham gia vào mô hình đầu tư tiền ảo Emas Fintech mà phóng viên VTV đã phát sóng.
Đại diện Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua hàng chục đường dây lừa đảo, lợi dụng đầu tư vào các sàn trên mạng đã bị đánh sập. Tuy nhiên, công tác đấu tranh luôn gặp những khó khăn.
"Ở Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý các sàn giao dịch dạng như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tập hợp và nắm bắt thông tin, kể cả các sàn đang hoạt động trên thế giới để báo cáo lên Bộ Công an và lãnh đạo Nhà nước cùng các Bộ, ngành để nghiên cứu bộ hành lang pháp lý để có luật, quản lý các hoạt động này", Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng - Trưởng phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho hay.
|
|
Nhóm môi giới trong mô hình IBH lần này cũng chính là nhóm đứng ra kêu gọi hàng nghìn người dân tham gia vào mô hình đầu tư tiền ảo Emas Fintech. |
Thượng tá Hoàng Nam Phương - Phó Trưởng phòng 9, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết: "Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xây dựng, sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các phương tiện thanh toán mới, liên quan tiền ảo, tiền kỹ thuật số xem xét ở góc độ tài sản là phương tiện thanh toán. Phối hợp với cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Số liệu từ Bộ Công an cho biết, từ đầu năm đến nay Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý trên 2.000 vụ lừa đảo trên không gian mạng. Đặc biệt nổi lên là thủ đoạn mới trong việc huy động người dân tham gia vào các sàn forex , tiền ảo…
Bộ Công an cũng đã lập các phương án đấu tranh với các hình thức lừa đảo kể trên.
PV