Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên thị trường các mặt hàng như rượu bia, thực phẩm, bánh kẹo… luôn có lượng tiêu thụ lớn nhất. Vì vậy, các đối tượng sản xuất hàng giả đã lợi dụng cơ hội này để tung ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kém chất lượng nhằm kiếm lời bất chính.

Liên tục trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội như quản lý thị trường, công an kinh tế đã phối hợp kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, tẩy xóa hạn sử dụng, giả mạo xuất xứ... trên thị trường.

leftcenterrightdel
  Dịp cuối năm: Hàng kém chất lượng, xóa date tràn lan thị trường

Chia sẻ tại Tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Cơ quan của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 28/10, bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thống kê 9 tháng đầu năm 2021, các lực lượng phát hiện hơn 100.000 vụ việc, giảm gần 300% so với cùng kỳ, thu ngân sách Nhà nước qua hoạt động đấu tranh chống nhập lậu và gian lận hàng giả đạt 7.500 tỷ đồng, giảm khoảng 350%. 

Tuy nhiên, những vụ việc phức tạp có dấu hiệu hình sự, khởi tố thì lại tăng với 1.615 vụ án khởi tố hình sự, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 90%.  Theo bà Thủy, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội ở một số địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng thì số lượng vụ việc giảm, tuy nhiên tính phức tạp tăng hơn, đặc biệt diễn biến trên thương mại điện tử gia tăng và phức tạp hơn rất nhiều.

“Trên môi trường thương mại điện tử, hàng giả xuất hiện nhanh chóng, ví dụ như vừa rồi, khi thuốc điều trị COVID-19 vừa chính thức đưa ra thị trường thì có ngay hàng giả, cùng với đó là các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay y tế…, đặc biệt phức tạp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, đại diện Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết.

Bà Đỗ Thị Minh Thủy dự báo, thời gian tới, khi Chính phủ từng bước mở cửa kinh tế và khôi phục sản xuất kinh doanh, những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần, thực trạng buôn lậu sẽ diễn ra phức tạp, nhiều khả năng hàng tồn, hàng kém chất lượng sẽ được đưa vào thị trường.

Có thể nói, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc là vấn đề bức xúc của xã hội từ bấy lâu nay. Bất cứ ngành nghề, mặt hàng nào cũng có thể làm giả, từ mỹ phẩm, dược phẩm đến hàng điện tử, gia dụng, hàng công nghệ cao, thức ăn chăn nuôi… Hàng giả, hàng nhái có mặt khắp nơi từ vỉa hè đến các khu chợ, các cửa hàng kinh doanh. Các sản phẩm mang thương hiệu lớn như: Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton... được bày bán tràn lan từ ngoài chợ đến các cửa hàng, các trang mua bán trực tuyến, với giá bán chỉ bằng 5 - 10% so với giá hàng chính hãng.

Ngoài việc làm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các nhãn hàng sản xuất trong nước, thương hiệu nội địa, nhất là tình trạng hàng hóa được làm nhái với tên gọi na ná sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn như bột giặt OMO được nhái thành bột giặt OMON, trà xanh C2 nhái thành trà xanh E2... với bao bì, mẫu mã giống hệt sản phẩm chính hãng nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ở các lĩnh vực như may mặc, giày dép…, hàng giả, hàng nhái chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế nhưng nếu là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm thì rất nguy hiểm, đe dọa đến sự an nguy, sinh mạng của người tiêu dùng. Mặc dù công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái luôn được các lực lượng chức năng trong tỉnh nỗ lực triển khai, thế nhưng do lợi nhuận từ hàng giả, hàng nhái đem lại khá cao nên nhiều gian thương đã bất chấp tất cả, không từ bỏ một thủ đoạn nào để thu lợi về mình.

Hương Mi

Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/dip-cuoi-nam-hang-kem-chat-luong-xoa-date-tran-lan-thi-truong-d115605.html