Gần một tháng nữa là tới cao điểm Tết Nguyên đán 2021 nhưng giá vé khứ hồi trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội, khởi hành ngày 29/1 (29 tháng Chạp năm Tân Sửu) và trở lại vào ngày 6/2 (5 tháng Giêng năm Nhâm Dần) đang ở mức rẻ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, Vietjet Air đang là hãng bay có giá vé Tết 2022 rẻ nhất trên hành trình này. Hãng hiện đưa ra mức giá thấp nhất 3,1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí, thấp hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021.
Những lựa chọn khác của hành khách trên hành trình này bao gồm Bamboo Airways (3,3 triệu đồng), Vietnam Airlines Group (4,7-4,9 triệu đồng) và Vietravel Airlines (5,1 triệu đồng). Trung bình giá vé mà các hãng đưa ra đang thấp hơn cùng kỳ từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng.
Càng gần Tết giá càng rẻ
So với thời điểm đặt vé vào đầu tháng 12/2021, giá vé hiện đã rẻ đi khoảng 600.000 đồng. Điều này báo hiệu xu hướng càng gần Tết vé lại càng rẻ của năm 2021 đang xuất hiện trở lại trong năm 2022.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, giá vé máy bay trong cao điểm Tết Nguyên đán mỗi năm trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội luôn dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí tùy vào thời điểm đặt vé.
Cá biệt có những chuyến bay giờ đẹp giá vé phổ thông lên kịch trần theo quy định, tiệm cận giá vé hạng thương gia.
Giá vé giảm mạnh là do các hãng bay liên tục tăng chuyến trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội trong cao điểm Tết và giảm giá mạnh để cạnh tranh nguồn khách. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành miền Bắc diễn biến phức tạp, hành khách cũng dè dặt hơn khi quyết đặt vé, dẫn tới nguồn cầu sụt giảm.
Chuyến bay tăng nhưng lượng khách không tăng tương ứng khiến lựa chọn bay của hành khách rất đa dạng, đầy đủ các giờ bay và ghế trống còn rất nhiều. Các chuyến bay trong giờ bay "đẹp" có giá vé chỉ nhỉnh hơn các chuyến bay sáng sớm và đêm muộn khoảng 300.000-500.000 đồng mỗi vé khứ hồi.
Với chặng bay khứ hồi TP.HCM - Đà Nẵng khởi hành ngày 29/1 và trở lại vào ngày 6/2, giá vé rẻ nhất đang là các chuyến bay của Vietjet Air với mức giá 2,8 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí, rẻ hơn khoảng 800.000 đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021. Lựa chọn khác của hành khách bao gồm chuyến bay của Bamboo Airways (3 triệu đồng).
Trên chặng bay khứ hồi TP.HCM - Vinh trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán trên, giá vé lại đang ở mức cao do lượng chuyến bay thấp và hành khách đi các tỉnh thành Bắc Trung Bộ đều lựa chọn bay tới Vinh, dẫn tới cầu vượt cung.
Có giá vé rẻ nhất trên hành trình này đang là chuyến bay của Vietjet Air với mức 6,1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí, kế đến là Bamboo Airways (6,9 triệu đồng).
Nhiều người lao động sớm rời các đô thị lớn trước Tết
Trao đổi với Zing, đại diện một hãng bay lớn cho hay việc lấp đầy các chuyến bay Tết Nguyên đán 2022 đang gặp khó, một phần vì người lao động đã sớm rời các đô thị lớn từ trước cao điểm Tết, một phần vì hành khách lo ngại dịch bệnh và những quy định cách ly.
Vị này hi vọng tỷ lệ lấp đầy sẽ được cải thiện khi các địa phương sẽ có chính sách cách ly thống nhất, nới lỏng với người về quê ăn Tết Nguyên đán 2022.
Cuối tháng 12/2021, Bộ GTVT đã cho phép tăng tần suất khai thác trên các đường bay nội địa từ ngày 29/12/2021 đến hết ngày 16/2. Theo đó, đường bay Hà Nội - TP.HCM sẽ tăng lên 25 chuyến khứ hồi/ngày giai đoạn từ 29/12/2021 đến 18/1 và 52 chuyến khứ hồi/ngày từ 19/1 đến 16/2.
Tương tự như giai đoạn thời gian nêu trên, các chặng bay khác như TP.HCM - Đà Nẵng tăng tương ứng 20 chuyến khứ hồi/ngày và 27 chuyến khứ hồi/ngày, đường bay Hà Nội - Đà Nẵng tăng 20 chuyến/khứ hồi/ngày cả 2 giai đoạn.
Đường bay TP.HCM - Hải Phòng/Nghệ An/Thanh Hóa tăng tương ứng 9 chuyến khứ hồi và 14 chuyến khứ hồi/ngày, đường bay Hà Nội, TP.HCM đi và đến Phú Quốc, Khánh Hòa tăng tương ứng 14 chuyến khứ hồi và 27 chuyến khứ hồi, đường bay TP.HCM - Bình Định tăng tương ứng 9 chuyến khứ hồi và 18 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay khác tổng cộng 9 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.
Ngành hàng không Việt Nam ước tính sẽ cung ứng tổng cộng khoảng 2,7 triệu ghế trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2022, bằng khoảng 70-75% so với Tết 2021. Tổng lượng ghế cung ứng giảm trong cao điểm Tết năm nay đến từ ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.
Theo Ngô Minh / Zing