Có một câu chuyện kỳ lạ đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Khi các nhà phân tích tỏ ra lo ngại về các mục tiêu tăng trưởng, thì thị trường chứng khoán, và bất động sản vẫn tiếp tục sôi động. Giải thích một cách đơn giản, lãi suất, khi được hạ xuống mức thấp kỷ lục, đã thúc đẩy các kênh đầu tư, đẩy dòng vốn trị giá hàng tỷ đô vào thị trường chứng khoán và tài sản. Nhưng câu chuyện trong đại dịch sẽ cần được phân tích kỹ hơn một chút.
Các thách thức đối với nền kinh tế hiện nay đang hiện hữu rất rõ ràng.
Mới đây, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng, bối cảnh vĩ mô cũng còn không ít yếu tố có thể khiến thị trường hạ nhiệt: kỳ vọng quý 3 sẽ xấu đi vì việc kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội; các tổ chức kinh tế, như IMF, ADB, World Bank, Standard Chartered... trở nên thận trọng với những dự báo lạc quan trước đó cho Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng; thu hút dòng vốn FDI cũng gặp thách thức khi dịch đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp ở mức cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An…
Thế nhưng, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục sôi động.
Báo cáo nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam mà VinaCapital phát hành mới đây đã nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Biểu hiện thấy rõ là số lượng công ty Việt Nam có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD đã tăng từ 10 công ty vào năm 2015 lên gần 50 công ty hiện nay. Tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán cũng tăng mạnh từ 30% lên 90% GDP của Việt Nam, tương đương với các nước trong khu vực.
Gần đây, số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến cũng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng gấp đôi trong năm 2020. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, tổng số tài khoản mới nhiều hơn số tài khoản mới trong cả năm 2019 và 2020 cộng lại.
'Cũng chẳng có kênh đầu tư nào khác khả thi hơn'
Hiện tượng thị trường chứng khoán bùng nổ, tăng trưởng cao hơn gấp nhiều lần, thậm chí đi ngược tăng trưởng kinh tế, không chỉ ở Việt Nam, mà đang xảy ra ở nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới.
Vậy giải thích điều này ra sao? Hãy nhìn vào trường hợp tương tự ở Úc.
Các chuyên gia kinh tế tại Úc nói với ABC News, có một yếu tố mới rất quan trọng đang tác động đến thị trường: tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19.
Nếu không có 70 đến 80% dân số đủ điều kiện được tiêm chủng, nhiều khu vực sẽ đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động vì các biện pháp giãn cách kéo dài. Vì vậy, các tin tức về vaccine đang có tương quan mạnh đến biến động thị trường chứng khoán hơn bao giờ hết.
Trước đó, năm 2020, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng mạnh nhờ thông báo hồi tháng 11 từ Pfizer và BioNTech, về việc phát triển một loại vaccine phòng Covid-19 được thử nghiệm trên 43.500 người ở 6 quốc gia và ước tính có hiệu quả 90%. Hai công ty cho biết họ hy vọng sẽ sản xuất được 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021.
Tại sao thị trường lại phản ứng theo cách này? Việc có thêm vaccine cho chiến dịch tiêm chủng chắc chắn sẽ hỗ trợ các nền kinh tế thoát khỏi các hệ lụy từ việc giãn cách do Covid-19, và trở lại bình thường.
Kinh tế còn nhiều thách thức, các nhà đầu tư cũng không phải quá lạc quan về triển vọng kinh tế, song, Tiến sĩ Shane Oliver, Lãnh đạo về chiến lược đầu tư của AMP Capital nói: "Một số nhà phân tích đầu tư và nhà kinh tế thị trường cứ lặp đi lặp lại với tôi: Trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay, cũng chẳng có nơi nào khác khả thi hơn để rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán". Vì thế, thay vì e ngại, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục ở lại thị trường với niềm tin rằng, mục tiêu tiêm chủng sớm hay muộn cũng sẽ đạt được, việc họ cần làm chỉ là bám trụ được đến lúc đó.
Kinh tế trưởng Alan Oster của NAB đồng tình: "Nếu không đạt được tỷ lệ tiêm chủng từ 70- 80% cho dân số đủ điều kiện tiêm, thì các dự báo kinh tế cũng chẳng có nhiều ý nghĩa - bởi vì không cần phải là nhà kinh tế thì ai cũng có thể đoán được mức độ ảnh hưởng của các đợt giãn cách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính".
Thái Quỳnh (Tham khảo ABC News)