Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng, Người phát ngôn UBND TP cho biết, trong mấy ngày qua, các cơ quan báo chí có thông tin về việc “UBND TP đề xuất bán 600 biệt thự xây dựng trước năm 1954”. Vì vậy, UBND TP tổ chức họp báo để thông tin chính xác nhất vấn đề này đến dư luận. Thực tế thời gian qua Hà Nội cũng đã bán một số biệt thự. Tuy nhiên, theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, Thành phố Hà Nội sẽ tạm dừng bán 600 biệt thự từ 19/4 để rà soát tổng thể, có báo cáo chi tiết. Sau khi có kết quả sẽ thông tin rõ ràng cụ thể tới báo chí, bao gồm cả các vấn đề về quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp bảo tồn…

leftcenterrightdel
 Căn biệt thự cũ bỏ hoang số 78 Nguyễn Du 

Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, qua rà soát, Hà Nội được phép bán 600 biệt thự cũ theo đúng quy định của pháp luật. Các biệt thự này thuộc dạng đan xen sở hữu, gồm 5.686 hộ ký hợp đồng thuê. Thành phố đã ký hợp đồng bán với 4.973 hộ, hiện nay còn 713 hộ, tương đương 713 hợp đồng chưa bán (563 ngôi chính, 150 ngôi phụ). Việc bán biệt thự nói trên chỉ thực hiện với các hộ, cá nhân đang ở trong biệt thự.

Trước đó, UBND Hà Nội đã có Quyết định 1216 về giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngoài việc lên kế hoạch bán 600 biệt thư cũ thuộc sở hữu nhà nước, thì nghiên cứu xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường, trả tiền một lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.

Cơ quan này lý giải việc bán biệt thự nhằm tạo lập nguồn vốn để thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác.

Theo thông tin từ UBND thành phố, hiện trên địa bàn có 1.216 biệt thự, được phân loại về sở hữu, quản lý như sau:

367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, gồm cả biệt thự của Văn phòng T.Ư Đảng, Cục phục vụ ngoại giao Đoàn (Bộ Ngoại giao), của các cơ quan khác của T.Ư và thành phố, của các Cty quản lý nhà quản lý. Trong 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước nói trên, phân loại có 177 biệt thự nhóm 1; 131 biệt thự nhóm 2; 59 biệt thự nhóm 3.

Có 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau.

Có 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Đa số các biệt thự cũ được xây dựng khoảng 100 năm trước, chủ yếu nằm ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ; có kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông. Đến nay, chất lượng nhiều biệt thự đã xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn cho người sử dụng nhưng lại không đủ kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa.

T.B

Nguồn
Link bài gốc