Lãi ròng 9 tháng “bốc hơi” gần 40%
Theo Báo cáo tài chính riêng, tại ngày 30.9.2021, VGV có 71,8 tỉ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 15% so với đầu năm, trong đó có 10,7 tỉ tiền mặt, 7,8 tỉ tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và các khoản tương đương tiền 53,2 tỉ (tăng 39,6% so với đầu năm).
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 90,5 tỉ, xấp xỉ đầu năm, các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 155 tỉ, bao gồm 68,2 tỉ đầu tư vào các công ty con, 48,9 tỉ đầu tư vào công ty liên kết liên doanh và 37,9 tỉ đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. VGV không có nợ vay ngân hàng.
Quý III/2021 VGV đạt doanh thu 40,2 tỉ đồng, giảm 28% so với quý III/2020, lợi nhuận sau thuế 2,1 tỉ giảm 23,5% so với quý 3 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, VGV đạt doanh thu 110 tỉ, giảm 35,8% so với 9 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2021 là 15,8 tỉ đồng, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nắm giữ nhiều lợi thế và tài sản nhưng kết quả kinh doanh các năm vừa qua của VGV không cao. Từ sau khi cổ phần hóa đến nay, lợi nhuận không tăng trưởng mà lại đi xuống. Lợi nhuận hợp nhất năm 2017 là 46,8 tỉ đồng, năm 2018 là 44,9 tỉ, năm 2019 là 44 tỉ đồng, năm 2020 là 33 tỉ đồng. Cổ tức các năm qua chỉ dao động từ 1-5%.
“Ngủ quên” trên đất vàng?
Tiền thân của Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam là Cục thiết kế dân dụng thành lập từ tháng 4/1955, sau đó đổi tên thành Viện thiết kế Kiến trúc rồi Viện thiết kế nhà ở và Công trình công cộng. Đến 2016 VGV được cổ phần hóa, có vốn điều lệ 357,7 tỉ, phần vốn Nhà nước chiếm 87,2% hiện nay do Tổng công ty SCIC quản lý.
VGV là thương hiệu đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn xây dựng. Với bề dày gần 70 năm, VGV và các công ty con, công ty liên kết đã thiết kế, tư vấn tại nhiều công trình lớn của quốc gia như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhà Quốc hội, tổ hợp văn phòng Keangnam, bảo tàng Hà Nội, Học viện quân y…
Bên cạnh đó, tuy chỉ có vốn điều lệ 357,7 tỉ nhưng VGV nắm trong tay nhiều tài sản rất có giá trị. VGV hiện đang quản lý và sử dụng lô đất 2.500 m2 tại trụ sở 243 Đê La Thành, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội gồm 1.627 m2 đất xây trụ sở và 873 m2 đất nằm ngoài chỉ giới xây dựng.
Không chỉ VGV mà các công ty con, công ty liên kết trong hệ sinh thái của VGV cũng là những “viên ngọc tiềm ẩn”. Đó là các thương hiệu mạnh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và nắm trong tay nhiều mảnh đất vàng như CIC, CDC, CONINCO, CCBM, NAGECCO, VIWASE, INCOSAF, VCC…
Ví dụ như CTCP Nước Môi trường Việt Nam (mã chứng khoán VWS, UPCOM), một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Tuy chỉ có vốn điều lệ 36 tỉ đồng nhưng VWS nắm trong tay nhiều mảnh đất vàng như lô đất 650 m2 ở các số nhà 5, 7, 9 phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều ha đất đắc địa tại tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…
CTCP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam với tòa nhà số 10 Hoa Lư, Hà Nội. CTCP Tư vấn Xây dựng công trình vật liệu xây dựng – CCBM với tòa nhà VG- ngõ 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
CTCP Tư vấn xây dựng Tổng hợp – Nagecco có trụ sở ở 29bis Nguyễn Đình Chiểu - P.Đa Kao - Q.1 - TP.HCM và lô đất 466 m2 tại 162 đường Pasteur, Quận 1, TP.HCM đem liên doanh với nước ngoài (liên doanh PDD)…
CTCP Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm Định Xây dựng Coninco, chủ tòa nhà CONINCO Tower trên diện tích đất 1814 m2 với 4 tầng hầm, 19 tầng nổi ở số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội…
CTCP Khảo sát và xây dựng (VGV sở hữu 57,76% vốn điều lệ) nắm trong tay 748m2 đất ở 91 Phùng Hưng (Quận Hoàn Kiếm), 4.434 m2 đất ở Xóm 6 Đông Ngạc, Từ Liêm, 8625 m2 ở Khu Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội, 1.937 m2 ở số 5 Lạc Long Quân, Hà Nội, 337 m2 ở 226 Trịnh Đình Trọng, Quận Tân Phú, TPHCM, 1317 m2 ở 303 Trịnh Đình Trọng, Q. Tân Phú và nhiều lô đất khác tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…
Tùng Thư