leftcenterrightdel
 

Theo dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong tháng 4 vừa qua, số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới ghi nhận tăng thêm 232.328 tài khoản, nâng tổng số tài khoản chứng khoán của Việt Nam lên 5,2 triệu.

Đây là con số đáng ngạc nhiên bởi thị trường chứng khoán giảm mạnh trong tháng 4/2022. Con số này chỉ thấp hơn so với kỷ lục tháng 3 vừa qua 271.000 tài khoản, song vẫn cao hơn so với các tháng trước đó của năm 2022.

Lũy kế tới cuối tháng 4/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân chính thức vượt 5,2 triệu tài khoản. Trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 98,9%.

Như vậy, trong năm 2022, chỉ có duy nhất tháng 1 ghi nhận sụt giảm số lượng tài khoản mở mới, còn 3 tháng tiếp theo số lượng tài khoản mở mới đều tăng trên mức 200.000 tài khoản.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 231.782 tài khoản, lũy kế đạt 5,1 triệu tài khoản tính đến cuối tháng 4. Tổ chức trong nước mở mới 178 tài khoản, lũy kế đạt 13.670 tài khoản; cá nhân nước ngoài mở mới 335 tài khoản và tổ chức nước ngoài mở mới 33 tài khoản.

Dân số Việt Nam tính đến ngày 9/5/2022 là 98,7 triệu người, như vậy, số lượng tài khoản chứng khoán/đầu người chính thức cán mốc 5,2%. Trước đó, Chính phủ đặt mục tiêu số tài khoản đạt 5% dân số vào năm 2025. Như vậy, thị trường chứng khoán đã vượt kế hoạch mong đợi.

Năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Kiếm tiền từ chứng khoán không còn dễ dàng

Đây là nhận định của ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB. Theo ông Hà, thị trường giảm điểm mạnh do nhiều yếu tố. Nhìn về quá khứ, sau hai năm tăng trưởng mạnh thì việc điều chỉnh là điều tất yếu. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 80% thị trường đã dẫn đến tâm lý đám đông bán tháo khi thị trường giảm điểm. Thêm nữa, lượng margin (vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư) quá cao đã đẩy nhiều cổ phiếu vượt quá giá trị thực khiến thị trường quay đầu giảm điểm càng mạnh khi bị giải chấp.

“Với bối cảnh như vậy, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy việc mua cổ phiếu mà tiền lời tính bằng lần hay nhiều lần sẽ trở nên khó khăn. Nói cách khác, kiếm tiền từ chứng khoán không còn dễ dàng nữa” - ông Hà nhấn mạnh.

Nhiều nhà đầu tư đã tận hưởng thời kỳ thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ kéo dài trong năm 2021 cho đến đầu năm 2022, giúp cho tài khoản của họ tăng rất nhanh. Nhưng gần đây, giới đầu tư choáng váng trước việc thị trường lao dốc rất nhanh.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4/2022, các chỉ số chứng khoán đều sụt giảm đáng kể so với tháng trước đó.

Đáng chú ý, cũng trong tháng 4, khi thị trường chứng khoán bị điều chỉnh giảm mạnh, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã rút ròng hơn 4.000 tỷ đồng khỏi thị trường.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research, cho biết trong hai năm qua, nhiều nhà đầu tư F0 đã tận hưởng giai đoạn đẹp nhất là thị trường luôn tăng điểm, mà ít khi đối diện với việc thị trường giảm điểm mạnh. Ngay cả trong quý I-2021, cũng có thời điểm thị trường giảm sâu nhưng sau đó lại hồi phục nhanh, nên cảm giác thua lỗ lướt qua nhanh.

Chính vì thế, các F0 chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử lúc thị trường giảm điểm mạnh. Thực tế, việc giảm điểm lần này cũng chưa quá mạnh như năm 2018. Thời điểm đó, thị trường đi xuống cả năm 2018, thậm chí kéo qua năm 2019.

“Việc giảm điểm của thị trường trong thời gian qua cũng giúp các F0 học được nhiều điều và đặt tâm thế đầu tư đúng đắn và tốt hơn trong giai đoạn tới” - ông Hưng nói.

H.P

Nguồn
Link bài gốc