Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động
Từ nửa cuối tháng 8.2021 đến nay, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tiếp tục giảm. Cụ thể, TPBank mới đây đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn, nhất là kỳ hạn dài trên 12 tháng. Cụ thể, khách gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1%, xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 18 và 36 tháng giảm 0,3%, xuống còn 6%/năm.
Với tiền gửi online, TPBank cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn với mức giảm nhiều nhất là 0,3%. Hiện mức lãi suất gửi online cao nhất tại ngân hàng này là 6,15%/năm cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng.
Sacombank cũng giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Khách hàng gửi tiết kiệm tại Sacombank kỳ hạn 1 tháng lãi suất còn 2,9%/năm; 2-5 tháng còn 3%/năm; 6 tháng còn 4,3%/năm; 18 tháng là 5,6%/năm. Nhà băng này cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn với mức 0,1-0,4%, trong đó kỳ hạn giảm mạnh nhất là 10-11 tháng từ 4,9%/năm giảm còn 4,5%/năm. Hiện tại, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,8%/năm áp dụng cho khách gửi kỳ hạn 36 tháng.
Tương tự, tại Eximbank, theo biểu lãi suất áp dụng từ 26.8, lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn giảm từ 0,2-0,4%/năm. Trong đó, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1 tháng giảm 0,4%, hiện còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3%, xuống 3,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng 0,2 điểm %, xuống 5,9%/năm; các kỳ hạn 15-36 tháng giảm 0,2%, còn 6,1%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank không thay đổi so với đầu tháng 8. Tuy nhiên, đối các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, lãi suất huy động của Agribank và BIDV giảm 0,1% về 5,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân ở các ngân hàng thương mại trong nước đang khoảng 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
|
|
Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp - Ảnh: Internet |
Tiền gửi dân cư thấp kỷ lục
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,6 triệu tỉ đồng vào cuối tháng 6, tăng 4,43% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỉ đồng, tương đương tăng 4,78% so với cuối năm 2020. Tiền gửi của cư dân ghi nhận ở mức 5,3 triệu tỉ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm trước.
Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất trong 10 năm qua. Trước đó, tăng trưởng tiền gửi đã từng đạt mức rất cao (trên 10%). Chẳng hạn là 17,2% vào năm 2012, 15,9% vào năm 2013 hay 12,9% vào năm 2016.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng cho thấy nhiều nhà băng ghi nhận sụt giảm tiền gửi. Đơn cử như ABBank giảm 7,4% so với đầu năm, SeABank giảm 4,7%, NCB giảm 4,4%, Viet Capital Bank giảm 3,6%, MSB giảm 1,7%, PG Bank giảm 0,2% và Saigonbank giảm 0,3%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng thấy rằng tính đến 21.6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng hơn 3%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 5,5%. Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lãi suất tiền gửi ở vùng thấp kéo dài là nguyên nhân khiến dòng tiền gửi vào ngân hàng ngày càng giảm. Dòng tiền dân cư có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán hay bất động sản thay vì lựa chọn gửi ngân hàng. Khi lãi suất tiền gửi thấp, doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động của các ngân hàng.
Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong thời gian tới, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại sẽ đi ngang. Áp lực tăng lãi suất tiền gửi có thể xảy ra, nhưng chỉ khoảng 0,1 - 0,2%/năm vào cuối năm nay khi ngân hàng đẩy mạnh cho vay và cân bằng lợi ích của người gửi tiền với xu hướng đa dạng tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư. Mặt khác, thời điểm cuối năm, doanh nghiệp và người dân thường rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng để chi trả lương, thưởng, tiêu dùng, kéo theo áp lực huy động vốn của các nhà băng.
Hồ Đông