|
|
Xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 30 tỷ USD/tháng |
Mới đây Tổng cục Hải Quan cho biết xuất nhập khẩu đã và đang phục hồi mạnh mẽ sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tháng 11 xuất khẩu đã đạt một dấu mốc kỷ lục mới đạt 31,87 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng trước, tương ứng tăng 3 tỷ USD xuất khẩu đạt 31,87 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng trước, tương ứng tăng 3 tỷ USD.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế đang dần vận hành bình thường trở lại sau đại dịch. Nếu so sánh với các tháng trước đó thì có một số mặt hàng tăng đáng chú ý như: giày dép tăng 639 triệu USD, tương ứng tăng mạnh 68,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 496 triệu USD, tương ứng tăng 13,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 430 triệu USD, tương ứng tăng 10,2%; dệt may tăng 401 triệu USD, tương ứng tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 322 triệu USD, tương ứng tăng 33,8%...
Tính chung hết tháng 11-2021, xuất khẩu của Việt Nam đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3%, tương ứng tăng 46,76 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã vượt ngưỡng 600 tỷ USD. Đây cũng là một kỷ lục mới của thương mại hàng hóa của Việt Nam.
Trong đó, các nhóm hàng tăng trưởng ấn tượng có thể kể đến như: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 10 tỷ USD, tương ứng tăng 41,6%; sắt thép các loại tăng 6,14 tỷ USD, tương ứng tăng 130,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 5,36 tỷ USD, tương ứng 11,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,24 tỷ USD, tương ứng tăng 13%...
Tuy nhiên, xét về quy mô kim ngạch, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 51,94 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này là Trung Quốc đạt 13,58 tỷ USD, tăng 32%; Mỹ đạt 8,74 tỷ USD, tăng 5,6%; EU đạt 7,09 tỷ USD, giảm 13,3.
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ hai với 45,51 tỷ USD, tăng 13%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng này với 11,56 tỷ USD, tăng 23%. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 9,68 tỷ USD, giảm 4%; EU đạt 5,9 tỷ USD, tăng 6,5%...
Như vậy, hai nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đều liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao.
Đứng thứ ba là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 34,05 tỷ USD, tăng 41,6%. 11 tháng qua, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng sang Mỹ đạt 15,57 tỷ USD, tăng 47,3%; EU đạt 3,9 tỷ USD, tăng 46,6%; Trung Quốc đạt 2,56 tỷ USD, tăng 47,9%; Hàn Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 24%...
Xuất khẩu hàng dệt may đạt 29,14 tỷ USD, tăng 8% tương ứng tăng 2,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong tháng 11-2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 3,04 tỷ USD, tăng 15,2%, tương ứng tăng 401 triệu USD so với tháng trước và phục hồi mạnh trở về mức trị giá cao so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Đây là tháng thứ 3 tính từ đầu năm tới nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có trị giá trên 3 tỷ USD (tháng 6, tháng 7 và tháng 11).
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,26 tỷ USD. Như vậy là tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,46 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11-2021 đạt 20,47 tỷ USD, tăng 19,8% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 11 tháng/2021 đạt 197,08 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11-2021 có mức thặng dư trị giá 2,62 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 11 tháng năm 2021 lên mức thặng dư trị giá 23,55 tỷ USD.
Hồng Đức