Như thông tin đã đăng tải, Tạp chí Điện tử Thương hiệu và Pháp luật nhận được đơn kêu cứu và tố giác của bà Hồ Thị Thùy Dương, sinh năm 1977, tại phường Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa về việc 46,9 tỷ đồng trong tài khoản cá nhân của bà đã bị đã rút tiền trái phép bởi các cán bộ thuộc phòng giao dịch Cam Ranh, chi nhánh Khánh Hòa, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Liên quan đến vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hòa đã và đang điều tra với tội danh “tham ô tài sản” được khởi tố theo Quyết định số 137/QĐ-CSĐT ngày 18/11/2022. Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đối tượng chủ mưu trong vụ án này là Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh năm 1975), nguyên Phó trưởng phòng phụ trách nội nghiệp Phòng giao dịch Sacombank TP Cam Ranh.

Do cần tiền nên từ tháng 8/2022, Nguyễn Thị Thanh Hà mưu tính chiếm đoạt tài sản của ngân hàng và khách hàng. Để thực hiện mưu tính này, Hà tự ý sử dụng những thông tin của khách hàng gồm số tài khoản, thẻ tiết kiệm rồi chỉ đạo thủ quỹ Ngô Thị Hồng Nhạn (sinh năm 1981) và hai giao dịch viên Nguyễn Trà My (sinh năm 1999), Ngô Nữ Hồng Hải (sinh năm 1975) lập khống hồ sơ tín dụng khách hàng vay tiền của Sacombank với tài sản thế chấp đảm bảo là thẻ tiết kiệm, tiền gửi của chính khách hàng để rút tiền từ ngân hàng. Ngoài ra, Hà còn chỉ đạo 3 nữ nhân viên nêu trên lập chứng từ khống tất toán và chứng từ khống rút tiền của một số khách hàng để chiếm đoạt tiền. Tổng số tiền 4 bị can đã chiếm đoạt của khách hàng là hơn 100 tỷ đồng. Hiện, 2 bị can Hà và Nhạn đã bị bắt tạm giam, còn My và Hải được áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

 

Thanh tra Bộ Tài chính tiếp nhận Đơn kiến nghị, phản ánh của bà Dương

Trở vụ việc 46,9 tỷ bị rút trộm của 12 giao dịch thực hiện trái quy định của bà Dương, vị chủ khách hàng có số tiền “khủng” trong tài khoản này đã gửi đơn kêu cứu, đơn yêu cầu, văn bản đề nghị tới ngân hàng Sacombank. Song, hơn 10 tháng qua, kể từ thời điểm phát hiện tiền bị thâm hụt trong tài khoản (6/2022), câu trả lời từ phía pháp nhân đều là “không đủ thẩm quyền hay chờ kết luận”. Mới đây nhất, ông Nguyễn Văn Ánh, Phó Giám đốc chi nhánh Sacombank Khánh Hòa, đồng thời là tân Trưởng phòng giao dịch Cam Ranh (sau vụ việc cán bộ nhân viên bị truy tố pháp luật, hầu hết nhân sự tại phòng giao dịch Cam Ranh đã được thay mới – PV), đã thừa nhận: Việc cán bộ nhân viên chiếm dụng, rút tiền trái phép lên tới 46,9 tỷ đồng của bà Dương là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, thẩm quyền của phòng giao dịch là không đủ chức năng để giải quyết vụ việc của bà Dương. Do vậy, đề nghị khách hàng lên làm việc với Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa.

Người bị hại gửi đơn kêu cứu nhiều cơ quan chức năng

Tương tự, ông Cao Phi Kiều, Giám đốc Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa cũng tìm cách “ban bóng” lên cấp trên cao hơn. Ông Kiều cho biết: Khoản tiền 46,9 tỷ đồng của bà Dương bị rút trộm đã được cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố theo luật định. Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan của bà Dương và 5 cá nhân khác cùng chung bị hại lên “tổng” (ngân hàng Sacombank tại TP Hồ Chí Minh – PV). Để giải quyết, đề nghị đi gặp cấp thẩm quyền cao hơn.

Tại Văn bản phúc đáp Văn bản kiến nghị ngày 16/1/2023 của bà Hồ Thị Thùy Dương, số 02/CV-SGL ngày 18/1/2023 do đại diện theo ủy quyền Công ty Luật TNHH Sài Gòn Công lý, do Giám đốc Luật sư Nguyễn Minh Luận đã ký, thì: Hồ sơ 12 giao dịch rút tiền từ ngày 4/5/2022 đến ngày 14/6/2022 với tổng số tiền 46,9 tỷ đồng của khách hàng Hồ Thị Thùy Dương tại Phòng giao dịch Cam Ranh đã được ngân hàng bàn giao cho cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ... Việc đòi ngân hàng hoàn trả 46,9 tỷ đồng trong khi sự việc chưa có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra là không hợp lý.

“Tôi là người mắc kẹt trong lý do của phía ngân hàng Sacombank tự đặt ra, tự cho mình cái quyền sở hữu và chiếm giữ tiền của khách hàng. Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý trả lời rất rõ tôi vô can trong vụ việc. Chánh thanh tra ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản đề nghị tới cơ quan cảnh sát điều tra để giải quyết. Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã chuyển đơn đến Thủ trưởng cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hòa. Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng thực hiện việc tương tự như vậy. Vì sao, Sacombank các cấp vẫn vô trách nhiệm với khách hàng, ngang nhiên được quyền chiếm giữ tiền của người dân, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho không chỉ tôi và những bạn hàng là các nông dân nuôi tôm lao động chân chính”, đơn thư bà Dương bức xúc viết.

Bà Dương cho biết thêm, trong hơn 10 tháng kể từ vụ việc xảy ra, bà và một số người bị hại tương tự đã cấp thiết đề nghị được làm việc với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank. Tuy nhiên, trong 2 lần gặp không được “thuận hòa” (một lần 5 phút và một lần 10 phút). Câu trả lời vẫn là chờ và chờ giải quyết.

Giám đốc Chi nhánh Sacombank Khánh Hòa không đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc?

Để rộng đường dư luận, PV xin trích dẫn đoạn băng nghi âm về vụ việc trên “được nghi” là của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách nội nghiệp Phòng giao dịch Sacombank TP Cam Ranh khi trao đổi với “đối tác”: “... làm cái đó là chị làm sai quy trình đó. Nếu cả chị tự rút tiền của khách hàng khi không có mặt khách hàng tại Sacombank là chị làm sai quy trình. Nếu mà kiểm toán nội bộ Sacombank vô hoặc là khi rút tiền những khoản đó mà chị Dương không có thừa nhận. Chị ấy nói tui không cho Sacombank rút rồi chị không có ký cái phiếu trong đó là nguyên một dàn Sacombank từ trên xuống dưới đi tù mọt gân tại vì khi đó là nó kết cái tội hình sự. Mà bây giờ chị chỉ sợ kiểm toán nội nộ nó nhào vô là nguyên cả một đám tội hình sự luôn đó...”.

Tạp chí Điện tử Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguồn
Link bài gốc