Hai “ông lớn” được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn trong quý 3/2021 là VietinBank và VPBank. Theo SSI Research, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của VietinBank chỉ đạt 3.000 tỉ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Nhờ lợi nhuận đột biến quý 1/2021, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận VietinBank vẫn đạt 13.900 tỉ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý 3 của VietinBank bị ảnh hưởng do thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng cao do nguy cơ nợ xấu mới phát sinh.
Với VPBank, SSI Research cũng cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng quý 3 chỉ đạt 3.200 tỉ đồng do bị tác động tiêu cực bởi COVID-19. Mức lợi nhuận này giảm mạnh so với quý trước song vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ước tính lợi nhuận này của SSI Research về VPBank chưa bao gồm khoản thu nhập đột biến gần 1,4 tỉ USD mà VPBank thu về từ thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật. Trước đó, lãnh đạo VPBank cho biết, khoản tiền này sẽ được hạch toán vào lợi nhuận VPBank năm 2021, giúp lợi nhuận tăng đột biến.
Theo dự báo của SSI Research, trong quý 3/2021, ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất là Techcombank với 5.200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, nhờ tín dụng tăng 16%, giá vốn thấp nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào. Đứng thứ hai về lợi nhuận trong quý 3 là Vietcombank với khoảng 5.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ tăng trưởng tín dụng 11,5% so với đầu năm.
Ngoài 5 ngân hàng thuộc top đầu lợi nhuận của hệ thống, SSI cũng đưa ra ước tính kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng TMCP tầm trung. Theo đó, bất chấp giãn cách xã hội, trong quý 3/2021, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng tốt, nhờ đó kết quả kinh doanh vẫn khả quan.
Ngân hàng duy nhất được dự báo lợi nhuận giảm trong quý 3/2021 là VIB. Theo đó, dù tăng trưởng tín dụng tăng 11% so với đầu năm, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do VIB tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, mảng kinh doanh bancassurance, vốn thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB, bị áp lực trong thời gian dài giãn cách. Theo SSI, lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của VIB chỉ đạt 1.300 - 1.400 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, luỹ kế 9 tháng, ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận 5.500 tỉ đồng, tăng trưởng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng ước tính, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 3/2021 có thể giảm 19% so với quý 2, do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%, đặc biệt tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) giảm do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thực tế, trong bối cảnh đại dịch, không chỉ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, mà các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía. Ngân hàng là đối tượng chịu tác động chậm hơn, sau các cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, không trả được nợ, nợ xấu hình thành và là quả “bom” nổ chậm đối với các nhà băng. Đó là chưa kể nợ xấu có thể được một số ngân hàng hạch toán lãi dự thu, ghi nhận vào lợi nhuận. Những khoản này nhiều khả năng không thể thu hồi.
Gia Miêu