|
|
TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (ngồi vị trí số 1, từ trái qua) - Ảnh: TH.H.
|
TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chủ tịch hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định tại tọa đàm Bất động sản Việt Nam bình thường mới, nhu cầu mới, xu thế mới, do báo VnExpress phối hợp với Tập đoàn FLC tổ chức chiều 6-10, tại Hà Nội.
"Nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền"
Dù kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17%, nhưng TS Trần Đình Thiên cho rằng có nhiều cơ sở để nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Đó là, dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế thế giới đang trong tâm thế phục hồi mạnh.
Theo đó, giao dịch thực trên thị trường bất động sản đang tăng lên sau thời kỳ giãn cách xã hội, và khi nguồn cung thị trường sẵn sàng thì cầu bật lên rất nhanh.
“Thị trường bất động sản là thị trường khởi phát, nguồn lực cho thị trường hiện khá tốt, vì vậy Chính phủ cần có cách tiếp cận bất động sản như thị trường khởi phát”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia cao cấp tại Ngân hàng BIDV, cũng cho biết dòng tiền bất động sản từ đầu năm đến nay không hề giảm, tín dụng cho bất động sản tăng 5,1%, trong đó cho vay nhà ở khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, cho vay đầu tư tăng gần 700.000 tỉ đồng, tương đương tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế trong 9 tháng qua.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản từ đầu năm tới nay cũng tăng mạnh, toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 309.000 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 108.000 tỉ đồng, chiếm 35%.
Theo TS Võ Trí Thành - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trung bình hằng năm có khoảng 30% lượng kiều hối về nước được đầu tư vào bất động sản.
Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới, TS Võ Trí Thành cho rằng nước nổi thì bèo nổi, kinh tế có nhiều triển vọng phục hồi, vì thế thị trường bất động sản trong quý 4 và năm 2022 có nhiều triển vọng tích cực.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường bất động sản, trong 3 năm qua giá bất động sản ở một số phân khúc vẫn tăng, một số khu vực như đất nền tăng bất thường, không đúng quy luật thị trường do đầu cơ, kích thị trường. Tại các dự án bảo đảm pháp lý giá bán vẫn tăng.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nhiều vấn đề cũ của thị trường vẫn tồn tại, ví dụ nhiều dự án vướng thủ tục pháp lý chưa gỡ được. Những năm qua có 5.000 dự án bất động sản, đô thị được triển khai, đến nay còn hàng ngàn dự án đang triển khai, nhiều dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Thông tin thị trường thiếu liên kết, chưa đáp ứng yêu cầu, việc cung cấp thông tin đất đai, quy hoạch chưa đạt yêu cầu.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sức khỏe thị trường qua 2 năm ảnh hưởng COVID-19 vẫn rất tốt, trong quý 3 năm nay trên cả nước có hàng vạn giao dịch bất động sản thành công.
Trong năm 2020, có 3 đợt dịch COVID-19, nhưng cứ hết dịch là thị trường lại bùng lên. Đầu năm 2021 đã phát sinh đợt sốt cục bộ trên thị trường vì lực cầu quá mạnh, đặc biệt lực cầu F0. Thực tế này cho thấy, thị trường bất động sản dù có bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng không bị đứng yên vì lực cầu vẫn được duy trì.
B. Ngọc