Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết cần tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xất khẩu, dịch vụ, logictics…

Đặc biệt, ngân hàng sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở cho đến hết tháng 6.

leftcenterrightdel
 

Techcombank cũng yêu cầu tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022. Đối với các khoản vay tạm dừng giải ngân này, ngân hàng yêu cầu các đơn vị kinh doanh trao đổi, đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân sang ngày 1/4/2022.

Cả hai nhà băng cho biết động thái này nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho biết đây chỉ là một trong những chỉ đạo bình thường trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Với hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, ngân hàng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…

Việc mở cửa trở lại nền kinh tế đã khiến cho nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (GSO), tính tới 25/3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,03%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trong tháng 1, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (1,9% so với cuối năm 2021). Đến tháng 2, tốc độ giảm nhẹ do yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết nguyên đán) và việc siết quy định về trái phiếu doanh nghiệp theo Thông tư 16, sau đó lại tiếp tục phục hồi trở lại trong tháng 3.

Việc các ngân hàng siết hoạt động cấp tín dụng ở các mảng rủi ro như cho vay BĐS đến từ hai nguyên do chính. Thứ nhất là hạn mức tín dụng (hay còn gọi là room) chung hoặc cho mảng cho vay BĐS đã kịch mức hoặc gần chạm trần đề ra; thứ hai là thực hiện theo định hướng siết tín dụng vào các mảng này của NHNN.

Tại chiến lược hành động mới nhất của ngành ngân hàng, NHNN tiếp tục nhấn mạnh việc hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết việc ngân hàng tạm dừng giải ngân ở lĩnh vực này là chính sách riêng biệt, nội bộ của từng tổ chức tín dụng. Về chính sách điều hành chung thì NHNN chỉ có chủ trương kiểm soát chặt hoạt động cho vay BĐS mà không dừng hoàn toàn.

"Suốt mấy năm nay NHNN luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay BĐS. NHNN đồng thời cũng yêu cầu các ngân hàng dành ra một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro và dàn mỏng rủi ro sang nhiều ngành nghề khác nhau", ông nói.

Ông Tùng cũng chia sẻ tỷ lệ cho vay BĐS của OCB hiện nay dưới 8% tổng dư nợ và ngân hàng vẫn đang giải ngân bình thường, chỉ cần khách hàng có đủ điều kiện vay, room tín dụng vẫn còn.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết mặc dù được kiểm soát chặt trong nhiều năm trở lại đây nhưng tín dụng BĐS vẫn tăng trưởng qua các năm. Số liệu từ NHNN cho biết tín dụng bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng những năm gần đây, từ mức 26% của năm 2018 xuống còn 12% vào cuối năm 2020.

Trong năm 2021, tín dụng vào bất động sản vẫn tăng 12% so với năm trước, trong đó cho vay mua nhà, sửa nhà, chữa nhà tăng khoảng 15 - 16% còn cho vay kinh doanh BĐS tăng khoảng 6 - 7%. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản. 

"Năm nay dự kiến tăng trưởng tín dụng bất động sản dự kiến từ 9 - 10%", chuyên gia dự báo

NHNN cho biết, năm nay sẽ điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tín dụng sẽ hướng vào hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, tuân thủ chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các Dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

H.P

Nguồn
Link bài gốc